CHÀO MỪNG BẠN!

Vui lòng chọn "Đăng Nhập" nếu Bạn là Thành Viên.

Chọn "Đăng Ký" nếu Bạn chưa là Thành Viên.

Nếu Bạn chỉ dạo chơi thôi thì chọn mục còn lại.

Chúc các bạn có những giây phút thoải mái và những bài học bổ ích với Diễn Đàn Lịch Sử!

CHÀO MỪNG BẠN!

Vui lòng chọn "Đăng Nhập" nếu Bạn là Thành Viên.

Chọn "Đăng Ký" nếu Bạn chưa là Thành Viên.

Nếu Bạn chỉ dạo chơi thôi thì chọn mục còn lại.

Chúc các bạn có những giây phút thoải mái và những bài học bổ ích với Diễn Đàn Lịch Sử!

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Chào mừng Thành viên thứ 110 -tuan khanh- tham gia vào Diễn Đàn của chúng ta!
 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Duc Toan (673)
trongnguyen (104)
nguyenlinh (90)
xuanhoa20 (36)
nth999 (34)
673 Số bài - 58%
104 Số bài - 9%
90 Số bài - 8%
62 Số bài - 5%
50 Số bài - 4%
42 Số bài - 4%
36 Số bài - 3%
35 Số bài - 3%
34 Số bài - 3%
34 Số bài - 3%

Share | 

 

 Theo con tàu không số về nguồn

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Theo con tàu không số về nguồn I_icon_minitime26.12.10 20:59

trongnguyen
Thể thao, online,...

Quản Lý

trongnguyen

Quản Lý

Nam
Tổng số bài gửi : 104
Điểm Thi Lịch Sử : 381
Hệ Thống Chấm Điểm : 11
Birthday : 12/02/1988
Ngày Tham Gia : 13/05/2010
Tuổi : 36
Đến từ : Cao Đẳng Cần Thơ
Công Việc : Sinh viên
Sở Trường/ Sở Thích Sở Trường/ Sở Thích : Thể thao, online,...

Bài gửiTiêu đề: Theo con tàu không số về nguồn

 
Theo con tàu không số về nguồn

(Bài viết đăng báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ngày 17/12/2010)


"...Đồng đội ơi Rạch Gốc còn đợi đấy
Dù đi đâu xin một chuyến quay về” (*)

Đó vừa là lời hứa, vừa là ước mơ cháy bỏng không chỉ nói lên nỗi niềm riêng của ông Bảy Nhỏ (tức Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Chỉ huy trưởng Đoàn 962), mà còn nói hộ biết bao đồng chí đồng đội đã một thời sống và chiến đấu giữa lòng dân. Vậy là ông đã chính thức thực hiện chuyến đi về thăm Rạch Gốc, vùng căn cứ cũ, nơi lựa chọn làm nơi đặt “Bến cảng giữa rừng” – chiếc nôi của đoàn 962, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập đơn vị anh hùng này. Tôi cũng là thủy thủ cuối cùng ghi tên vào danh sách đoàn đi, đứa em út trên “con tàu không số về nguồn”.

Sở dĩ tôi lựa chọn tên gọi như thế vì có một sự trùng hợp ngẫu nhiên vô cùng lý thú về số người tham gia ở chuyến đi về nguồn này với chuyến đi mở đường đầu tiên do anh hùng quân đội Bông Văn Dĩa, người anh cả của đoàn 962 mà sau này cán bộ, chiến sĩ và bà con hay gọi một cách kính trọng là Ông Già Hai dẫn đầu. Không kể “chính ủy” là cựu binh của 962, tôi là lính thủy gốc, “gà nòi”, anh Sáu, anh Ba cũng là cựu chiến binh ở các binh chủng khác; các anh hội viên còn lại toàn là cựu giáo chức.

Đến bến

Từ trên xe đò xuống, chúng tôi đáp chuyến cao tốc trực chỉ về Tân Ân. Sông nước Cà Mau nhộn nhịp, tấp nập tàu xuồng qua lại. Tiếng máy nổ dòn dã, tiếng gọi nhau í ới xen lẫn tiếng cười nói râm ran. Màu dòng sông nâu sẫm đục phù sa, màu bọt tung trắng xóa sau phía những đuôi tàu hòa lẫn màu xanh ngát của cây lá như mời gọi chúng tôi, hứa hẹn những khám phá bất ngờ, thú vị.

Đón chúng tôi ở đầu bến Tân Ân là anh Chín Hải, phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã kiêm bí thư chi bộ ấp Xẻo Mắm. Anh Chín nhiệt tình xăng xái, bắt tay từng người trong đoàn. Nhìn bề ngoài anh trẻ hơn so với lứa tuổi 55 rất nhiều. Năm 68, khi trốn nhà theo bộ đội, nghe nói “cậu chàng” này khá điển trai, được các chế, các cô cưng hơn trứng mỏng.

Trạm đầu tiên chúng tôi ghé dừng chân là ngôi nhà rộng rãi, khang trang của chú Sáu Tuôi, nguyên Chủ tịch xã. Ngôi nhà được xây cất chủ yếu từ tiền bán tôm sú giống của cậu con trai thứ Tám. Chú Sáu dáng người tầm thước, nước da rám hồng nắng gió, chưa thấy người đã nghe tiếng nói cười rổn rảng, ấm hơn cả tiếng chuông đồng. Nghe giọng nói, tiếng cười cởi mở của chú Sáu, dẫu đang mệt nhọc vì chuyến hành trình hơi dài, người cũng như được thư giãn. Chủ và khách chỉ trong mấy phút đã trở nên thân tình. Chú vừa pha trà mời khách, vừa nhanh chóng sắp xếp chu đáo lịch trình theo yêu cầu của đoàn.

Chỉ vài cuốc điện thoại nóng, các chú các anh đã nhanh chóng tập hợp lại. Chúng tôi chăm chú lắng nghe như nuốt lấy từng lời kể của những nhân chứng lịch sử về tình đồng đội, tình quân dân đầy khó khăn gian khổ nhưng cũng rất giàu chất thơ. Cũng trong dịp này, lần đầu tiên chúng tôi được giới thiệu tập bản thảo gồm rất nhiều bài thơ và ca cổ của cố tác giả Phan Khương Ninh, một cựu chiến binh của đoàn 962. Hoàng hôn xuống tự lúc nào mà như chẳng ai thèm để ý. Quên cả mỏi mệt, quên cả thời gian. Vậy mà, tối khuya, chú Bảy Nhỏ cũng chẳng bỏ qua trận đấu của giải bóng đá tranh cúp FA. Thì ra, giống như tôi, ông cũng là fan cuồng nhiệt của MU (Câu lạc bộ bóng đá Manchester United).

Cảng giữa rừng

Sáu giờ sáng hôm sau, “tàu” chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nhổ neo xuất bến. Đảng ủy và UBND xã đã bố trí một chiếc vỏ và cử anh Chín Hải tháp tùng theo đoàn. Địa điểm lịch sử trước tiên là Bàu Lớn, Vàm Lũng, bến chính của trung đoàn 962, nơi đón tiếp mấy chục chuyến tàu của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn. “Tàu vào đây là mất dạng”. Những cây đước giao đu như những cánh tay nắm chặt, cài ngón vào nhau để che dấu những con tàu. Chẳng còn dấu tích gì của nơi cất giấu những con tàu và kho vũ khí bí mật năm nào. Đất rừng, sông nước phương Nam và thời gian đã xóa mờ những hiện vật, nhưng đã khắc họa sâu đậm mãi trong lòng người đang còn sống và con cháu mai sau. Những cây mắm vẫn cần mẫn lấn biển để đước nối gót theo sau, rồi cứ vươn lên xanh ngát, thẳng tắp, cao vút. Có phải chăng mắm chính là hiện thân của bao lớp người đi trước, ngã xuống! Tôi bất giác nhớ lại và càng hiểu hơn những vần thơ trích trong trường ca “Bến cảng giữa rừng” của ông “Chính ủy” hơn bao giờ hết:

"Cây mắm dầm chân, quăng quật trước bãi lầy
Rễ hóa ngàn tay xòe lên hứng sóng
Và khi đất địa hình trụ vững
Mắm lại ra khơi nhường cho đước xây thành" (*)


Phải là người thật hiểu đời, hiểu người, hiểu rừng như ông mới viết ra được những câu thơ sâu lắng và đầy ý nghĩa như vậy. Sau một hồi trầm ngâm tưởng nhớ, chúng tôi lại ai nấy vào việc. Người nhanh chóng chụp hình lấy tư liệu, người cắm cúi ghi chép. Chú Bảy đang giảng giải rành rẽ về cụm từ “đước giao đu”. Sự gặp gỡ, giao đu của cây rừng hay là sự gặp gỡ, giao đu của nghĩa Đảng, lòng dân đã hình thành nên “Bến cảng giữa rừng” nơi đây. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn! Có những cụm từ chỉ có về đây mới biết. Thật chẳng dễ gì có được những giờ phút quí báu như thế.

Điểm đến tiếp theo là Rạch Chùm Gọng (Vàm Dinh Hạng) bến đỗ đầu tiên của chuyến tàu Phương Đông I lịch sử do thuyền trưởng Lê Văn Một (Út Một) và chính trị viên, anh hùng quân đội Bông Văn Dĩa chỉ huy cập bến ngày 16 tháng 10 năm 1962. Thành công của “chuyến tàu không số” đầu tiên này trên con tàu gỗ vận chuyển 30 tấn vũ khí cập bến an toàn đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ khen tặng. Vì là chuyến đầu tiên, thiết kế tàu không giống với tàu địa phương nên Trung ương chủ trương kéo vô rừng bỏ cho mục, không sử dụng nữa vì sợ lộ.

Hồi đó có khoảng hai đại đội trực chiến chốt các cửa vàm. Chỗ này không được qua lại chỗ kia. Các chiến sĩ chốt đâu cũng ở đó, chợ búa, mua sắm gì đều nhờ anh em khác vừa đảm bảo bí mật vừa sẵn sàng tác chiến. Vàm chính này là một trung đội và hai chiếc tàu hoa tiêu dẫn tàu vô, khi đi ra thì phải kéo lùi vì vướng cây rừng không quay đầu được. Tàu vào bến thì chỉ bốc hàng xuống sàn tạm. Đến đêm mới đưa về kho tạm. Kho tạm ở bên Kiến Vàng, gần chỗ ngã tư. Mấy ngày sau anh em ở tổng kho mới bốc về các kho. Tổng kho ở Chim Sẻ đi xuống Xẻo Lá (Kinh 5) rất xa bến, để bảo đảm bí mật, nếu tình hình xấu địch phát hiện bến thì không phát hiện kho hoặc giả phát hiện kho thì không phát hiện bến.

Mua thực phẩm và chặt đước dằn tàu đi ra cũng là một nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi mưu trí sáng tạo và sự nỗ lực của anh em trên bến. Theo qui định bí mật, tất cả các hoạt động là về ban đêm, ban ngày không ai được chèo xuồng ghe ở khu vực Vàm Lũng để tránh bị máy bay địch phát hiện. Chủ trương chiến lược sáng suốt, táo bạo là mua dầu địch vừa để ta xài vừa hạn chế tầm hoạt động của chúng cho thấy tiềm năng trí tuệ từ thực tế chiến tranh nhân dân của ta thật hết chỗ chê.

“Toàn tàu chú ý!” – Chú Bảy Nhỏ hô to. Sau này, ông vẫn hay hóm hỉnh lặp lại câu khẩu lệnh xuất hiện trong một mẩu chuyện vui thời kháng chiến do chính ông kể lại để ra hiệu cho mọi người tập hợp để tiếp tục cuộc hành trình. Dòng sông Rạch Gốc hiền hòa đưa con xuồng nhỏ của chúng tôi quay lại và rẽ ra một hướng khác đến Rạch Già, nơi chúng tôi sẽ được lắng nghe câu chuyện kể cảm động về tàu 69 anh hùng. Theo tính toán của tác chiến, tối ngày 31/12/1966, địch nghỉ ăn tết Tây, nên cho tàu ra Bắc. Ban chỉ huy Trung đoàn và các trợ lý đều thủ hết ở đây trực chiến. Các anh đã gặp địch, địch thả pháo sáng, rừng sáng trưng như ban ngày, bốn tàu địch dí bắn. Anh em trên tàu sẵn sàng chiến đấu và ngay loạt đạn đầu đã tiêu diệt mục tiêu đầu tiên là chiếc tàu cao tốc của địch đuổi theo. Cán bộ, chiến sĩ bị thương vong hết mấy người và đồng chí Đoàn Văn Dĩ, thủy thủ trưởng anh dũng hy sinh. Đảng viên dự bị Phan Hải Hồ, báo vụ của tàu bị thương gần lìa bàn chân đã báo cáo thuyền trưởng, chính trị viên và đề nghị y tá cắt bỏ để khỏi vướng víu, tiếp tục cùng anh em chiến đấu. Lực lượng bảo vệ bến trên bờ dùng 12,7 ly bắn mãnh liệt vào 5 tàu địch để chi viện cho tàu 69. Khi rút vô tới bên trong thì thân tàu chỉ tính từ trên vạch mớn nước đã bị thủng 121 lỗ đạn của quân thù. Cuối cùng đành đưa vô Ngọn Xẻo Già nhận tàu, không cho lọt vào tay địch để bảo vệ bí mật của bến và cả tuyến đường chiến lược quan trọng này. Nơi con tàu nằm đó hiện đã bị lở trôi ra biển.

Còn một chuyện cực nhọc ngoài ý muốn của con người, là chuyện gốc mục trôi. Khi có tin tàu sắp vô, trưởng bến và một số anh em phải dọn từ trong ra ngoài, mò gốc, để tàu vô được thuận lợi. Khi tàu nằm trong bến, anh em trên tàu hoa tiêu phải vô sâu trong rừng lựa những cây vẹt lớn, thẳng mang về buộc vô tàu ngụy trang. Anh thủy thủ lên bờ hết chỉ cử 1 hoặc 2 người ở lại trực tàu để mở hầm. Việc bốc hàng từ hầm tàu lên bến ban đầu toàn bằng tay chứ không có cẩu. Mỗi thùng vũ khí Đức nặng 70-80 kg. Sau này, khi có những quả thủy lôi của Liên Xô nặng 1,075 tấn mới bố trí pa-lăng xích để sử dụng.

Trước khi quay về, chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội ghé thăm gia đình Ông Già Hai, để thắp nhang viếng người chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai năm xưa và cũng chính là anh cả của trung đoàn. Ngôi nhà gỗ đơn sơ nơi ở của người anh hùng hình như đã được ông lựa chọn một cách có chủ ý rất gần với Chùm Rộng, nơi chuyến tàu Phương Đông mở đường thành công. Đi tắt qua rừng chỉ khoảng ngót nghét cây số. Nơi đây từng được vinh dự đón các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng như đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Văn Tiến Dũng. Vợ chồng chế Ba, con gái ông, kể lại những kỷ niệm sâu sắc về cuộc đời người cha và cho chúng tôi xem những bằng chứng lịch sử, trong đó có cả những trang nhật ký, cuốn lý lịch do ông viết tay mà mặt giấy đã ố vàng và nhạt phai màu mực. Cuộc sống kham khổ, từng trải, vẫy vùng ngang dọc, rồi phải gánh chịu khó khăn gian khổ trong những năm tháng bị địch bắt đày đi Côn Đảo đã làm cho sức khỏe của ông giảm sút. Ông mất khi mới 77 tuổi, để lại cho con cháu và đồng đội nỗi nhớ thương vô bờ bến.

Căn cứ

Cuối buổi, chúng tôi dừng chân tại nhà chú Nguyễn Công Trực (Tư Trực), nguyên cựu bí thư đảng ủy Tân Ân. Ngôi nhà trệt đơn sơ nhưng khá rộng rãi và đặc biệt rất nồng ấm tình người. Có lẽ đây đã nhiều lần được chọn làm điểm hẹn cho những chuyến đi về nguồn giống như thế này. Tôi nảy ra ý tưởng gọi ngôi nhà chú Tư là “căn cứ” cho “con tàu không số về nguồn” của chúng tôi, giống như ngày xưa các chú, các anh gọi “trung đoàn bộ”.

Hồi kháng chiến, theo qui định bí mật, cán bộ, chiến sĩ chèo xuồng đi làm nhiệm vụ, nếu khi ngang qua lối rẽ vào căn cứ mà gặp dân thì phải đi thẳng, sau đó mới vòng lại. Chú Bảy kể, có bữa chú chèo ngang, gặp cô Bảy Nga, cô Út Lợi, chú chèo chậm lại, ngập ngừng. Các cô nào có chịu tha cho: “Vô căn cứ thì vô đi ông ơi! Người ta biết hết trơn rồi còn làm bộ…”. Cũng có khi hú hồn, cứ tưởng thám báo địch phát hiện vì thấy rất nhiều dấu chân quanh khu vực kho cất giấu vũ khí. Sau mới vỡ lẽ là đồng bào ta đi bắt cua sen. Thế mà không một tên địch nào biết hết. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ nói lên lòng dân Rạch Gốc thật sắt son, chung thủy.

Các chú các anh cựu binh 962 tập trung lại tay bắt mặt mừng, ôn kỷ niệm xưa, chuyện trỏ sôi nổi. May mắn sao chúng tôi được gặp chú Trần Bá Phước (Tư Phước), một trong bốn thủy thủ còn sống đến hôm nay trong số thủy thủ đoàn tham gia chuyến đi mở đường đầu tiên từ Cà Mau ra Bắc. Những trang nhật ký hào hùng năm xưa lại một lần nữa được lật mở. Đêm 01 tháng 08 năm 1961, một con tàu gỗ nhỏ nhoi, xuất phát từ cực Nam của Tổ quốc, anh hùng quân đội Bông Văn Dĩa đã cùng bảy chiến sĩ đầu tiên tình nguyện mở đường. Các anh ra đi mang theo cả niềm tin gởi gắm của đồng bào Nam Bộ. Biết bao nhiêu thách thức, hiểm nguy ngày đêm rình rập trên đường. Trung ương Đảng, Bác Hồ và cả hậu phương lớn dang rộng vòng tay đón các anh.

Nghe tin chúng tôi tới, chú Hai Phóc, cựu chủ tịch xã nhất định bắt đoàn phải chia đôi, một nửa qua nhà chú, một nửa ở lại dùng bữa với gia đình chú Tư. Sau khi dùng bữa, chúng tôi tiếp tục câu chuyện còn dang dở. Những kỷ niệm về những chiến sĩ cách mạng tiền bối và những người chỉ huy cũ của trung đoàn như thầy giáo Phan Ngọc Hiển, Ông Già Hai, chú Tư Đức (Tư Phán), chú Sáu Toàn (Chung Thành Châu)… được tái hiện qua những lời kể sống động. Có những truyền thuyết, những giai thoại, những mẩu hài hước thật vô giá. Cuối cùng là lên kế hoạch cho chuyến đi Hòn Khoai ngày hôm sau.

Ngọn Hải Đăng không tắt

Hòn Khoai, ngọn hải đăng không tắt; Hòn Khoai, vọng gác giữa khơi xa dang rộng vòng tay hiền hòa chào đón những người bạn mới. Ngoài anh em tôi còn có phái đoàn của xã khoảng 30 thành viên, đa số là đoàn viên thanh niên ra tìm hiểu truyền thống do phó Chủ tịch thường trực xã Ba Nhanh dẫn đầu. Chú Tư Trực, anh Chín Hải là những nguời bám đoàn nhiệt tình nhất. Thuyền trưởng Tiết Văn Sĩ, người tình nguyện chở chúng tôi ra đảo vừa là người am hiểu lịch sử vùng đất này, vừa là tay thủy thủ lão luyện. Anh rất vui tính và hay chuyện. Trên đường đi chủ và khách như hòa thành một với những câu chuyện, những trò chơi,... Không biết vì không khí chung, hay vì lần đầu được nghe giọng ca truyền cảm của cô Tú, người con gái xứ biển mà những câu vọng cổ cất lên từ nơi đầu sóng ngọn gió như càng mặn mà, da diết hơn.

Cách đất liền gần 10 hải lý và có cao điểm 318m so với mực nước biển, Hòn Khoai, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng ở vùng biển Đông và Vịnh Thái Lan,. Con mắt biển Hòn Khoai có bán kính tầm nhìn rộng trên 30 cây số trên biển, nối liền hệ thống đèn Phú Quốc, Côn Đảo định hướng cho tàu đi biển. Cũng có thể ví Hòn Khoai như ngọn hải đăng lãnh trọng trách tiên phong của cách mạng. Nơi đây, đã được Tỉnh ủy Bạc Liêu hồi ấy chọn làm trọng điểm khi tiến hành cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Thi hành lệnh của cấp trên, thầy giáo Phan Ngọc Hiển và nhiều đồng chí, đồng bào, trong đó có ông Hai Dĩa, người anh cả của đoàn 962 đã tiến hành khởi nghĩa thành công ngày 13 tháng 12 năm 1940.

Chúng tôi hăm hở đến Hòn Khoai không chỉ mong muốn thăm viếng những chứng tích lịch sử anh hùng của khởi nghĩa Hòn Khoai, mà còn vì một lẽ khác. Những chuyến tàu vận chuyển vũ khí từ ngoài khơi vào bến luôn nhắm ngọn đèn Hòn Khoai định hướng. Có hôm, địch không thắp đèn, sợ tàu vô không đúng bến, anh em trên bờ phải bắn lên hòn, nhử giặc bắn pháo sáng rọi đèn cho tàu ta đi. Sự thật, mà nghe cứ như huyền thoại. Cũng ở nơi này, ngày 01/05/1975, nhận chỉ thị của Trung đoàn trưởng Bông Văn Dĩa, Trung đoàn phó Khưu Ngọc Bảy cùng Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Phước trực tiếp chỉ huy một cánh quân dưới 100 tay súng, huy động 8 chiếc tàu dân ra giải phóng Hòn Khoai. Chiến thắng ở cuộc hành quân “lần thứ hai” cũng không tốn một phát súng giống như “lần thứ nhất” về Hòn của người đảng viên trẻ tuổi Phan Ngọc Hiển khi xưa.

Nhóm “thủy thủ” lớn tuổi trong đoàn tàu về nguồn gồm chú Bảy, anh Sáu, Anh Tư, anh Hai ở lại gặp gỡ các anh ở Đồn Biên phòng 700 và Hạt Kiểm Lâm, những người canh biển, giữ rừng. Chú Tư Trực, anh Chín Hải, anh Hoàng Hoa và tôi theo nhóm thanh niên của xã Tân Ân trèo lên tận tháp đèn. Đứng trên đỉnh cao lộng gió, phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía, biển xanh bát ngát, mênh mông, bờ bãi xanh rì tưởng như bất tận, bao mệt nhọc tưởng như tan biến. Nhớ lời chú Bảy Nhỏ dặn dò, tôi không quên ghi lại một vài cảnh đẹp để lựa chọn minh họa cho Kỷ yếu về lịch sử Trung đoàn. Trước khi quay về điểm hẹn, chúng tôi còn lội ngang Bãi Sau để thăm di tích nơi thầy giáo Phan Ngọc Hiển mở trường dạy học, tạo điều kiện hợp pháp để xây dựng lực lượng khởi nghĩa. Sau khi dự bữa cơm với lính biên phòng có cá trê nước ngọt của anh em bộ đội tăng gia và hải sản do anh Sĩ vừa cào lên nóng hổi bổ sung, đoàn quay về “căn cứ” ở Rạch Gốc.

Chúng tôi có một ngày vừa đi biển vừa leo núi mệt nhưng ngập tràn niềm vui. Nồi cháo cá chẽm hấp dẫn mà thím Tư Trực và mấy cô em gái hậu phương ở “căn cứ” đã chuẩn bị sẵn sàng đang bốc khói nghi ngút đón đoàn chiến sĩ vừa hành quân trở về.

Nơi đầu sóng ngọn gió

Theo “kế hoạch tác chiến” đã vạch sẵn, chúng tôi dậy sớm, ăn uống xong thì xuồng Tư Thọ (tức Lưu Văn Thọ), Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Tân Ân cũng vừa cập bến. Anh cho biết nhã ý gặp đoàn của đồng chí Ba Chen (tức Trần Hoàng Chen), Bí thư huyện ủy Ngọc Hiển và trực tiếp đưa đoàn lên tới văn phòng Huyện ủy. Sau một hồi tiếp chuyện thân mật, anh Ba xin lỗi chú Bảy Nhỏ và anh em trong đoàn vì có chuyến công tác đột xuất qua tỉnh bạn nên không cùng đi được như dự tính ban đầu.

Theo chỉ thị của Huyện ủy, đoàn công tác được bố trí một chuyến bo bo về Đất Mũi. Hơn 60 cây số đường kinh tưởng như gần hơn rất nhiều. Càng tiến vào Vườn Quốc gia đước, mắm, già càng như xanh hơn. Màu xanh đậm của cây cao niên hòa lẫn màu xanh non của rừng tái sinh dịu mắt. Những chiếc camera kỹ thuật số của anh em trong đoàn cứ chốc chốc lại nhá đèn để ghi lại những cảnh đẹp mà lần đầu họ được chiêm ngưỡng, những khoảnh khắc ngập tràn cảm xúc trước thiên nhiên mê hồn của trời nước miền cực Nam Tổ quốc.

Đặt chân đến đất mũi Cà Mau, mũi tàu của đất nước, nơi chứng kiến hàng ngày mặt trời thức giấc và đi ngủ, nơi hàng ngày từng hạt phù sa lấn biển thêm rừng, lòng mỗi người trong đoàn đều có những cảm giác khác nhau. Nếu với ông Bảy Nhỏ, người đã từng sống, lăn lộn, chiến đấu với biển, với rừng thì nơi đây quen thuộc chẳng khác quê hương thứ hai, thì với nhiều anh em khác trong đoàn lần đầu đến đây thì lạ lẫm, háo hức mời gọi khám phá. Cảm nhận hương vị phù sa biển mặn nồng khi dạo trên vùng đất mới bồi và ngắm nhìn trời nước mênh mông trên đỉnh đài quan sát thật thú vị biết nhường nào.

Điểm du lịch Khai Long hơn 25 km bãi biển và mấy chục hạng mục đang được tập trung đầu tư hứa hẹn bao điều thú vị sẽ dành cho du khách trong tương lai. Những tình cảm mến khách của người dân đất mũi đã níu giữ chân người nên khi chúng tôi quay về đến thị trần Năm Căn thì trời đã xế bóng. Anh Sĩ, anh Oai, chị Hồng, chị Nguyệt, cựu binh đoàn 962 nằm đợi bến đã mấy tiếng đồng hồ, nhanh nhẹn xuống đón. Mừng thì đã hẳn rồi, anh Sĩ vẫn không quên trách khéo: “Thời chiến, chắc là không gặp được nhau!”. Chúng tôi được đích thân đ/c Lê Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Năm Căn tiếp đón trang trọng mà vô cùng thân mật. Tối hôm ấy, “thủy thủ đoàn” ngủ tại nhà khách của huyện ủy Năm Căn.

Ngọt bùi “cơm mắm” con bưng

Sáng hôm sau, theo kế hoạch định sẵn, chúng tôi dậy sớm để về ấp Kinh Mười Bảy thăm má Năm (Phan Thị Thu), bà mẹ chiến sĩ nuôi chứa cán bộ chiến sĩ Đoàn 962 năm xưa. Ngoài “thủy thủ đoàn” còn có thêm các “cựu binh” đã nhóm lại ở Năm Căn tối qua. Khi chiếc bobo vừa cập bến, chúng tôi ào lên, nói cười rổn rảng như những đứa con xa lâu ngày trở về nhà. Chúng tôi nhìn má rưng rưng. Má đã già nua, tuổi tác, chân bước đi khập khiễng làm xiêu vẹo cả chiếc gậy cầm bên tay trái. Vì đã nhận được điện báo trước, khi chúng tôi vừa bước vô nhà, má đã khệ nệ bưng ra một bọc mắm sống, một rổ mắm đã luộc chín và một dĩa mắm ngào đường. “cơm mắm” là món đặc sản đầu tiên má đãi khách theo đơn đặt hàng sẵn của đoàn.

Những năm 69-70, khi giang thuyền của kẻ thù phong tỏa ác liệt, chặn con đường tiếp tế hậu cần cho căn cứ, thì “cơm mắm” là món ăn chiến lược của đồng bào và chiến sĩ ta, là món ăn chống đói suốt 3 tháng trời cho bộ đội. Phài bóc vỏ, lấy mầm, luộc xả 6 đến 7 lần cho hết vị chát mới dùng được. Ngấp một ngụm trà, tôi lấy muỗng dích thử một miếng “cơm mắm” bỏ vào miệng. Vị bùi bùi, béo béo, ngọt ngọt gần giống như đậu xanh thấm nhanh trên đầu lưỡi.

Chỉ một loáng, những “cựu binh” mới lại tụ họp xôn xao. Gặp gỡ, tay bắt mặt mừng hồ hởi. Những hồi ức về thời chiến tranh gian khổ ác liệt, về những trận đánh nổ râm ran xung quanh “mâm cơm mắm”. Đã lâu lắm rồi, má Năm lại có ngày vui, được các con về đông đủ như bây giờ. Nét mặt má giãn da, ánh mắt má sáng bừng lên tràn trề hạnh phúc. Má có chín người con cả thảy, bốn trai năm gái, các con các cháu đều đã trưởng thành. Ngoài một người con là liệt sĩ, các con của má bây giờ đều đã là con của nước, của dân: chế Hai Ngôn (Lê Kim Ngôn) này là trưởng Phòng tổ chức Vườn Quốc gia Đất Mũi, anh Ba Tuấn (Lê Anh Tuấn) là Bí thư huyện uỷ Năm Căn; anh Tư Sĩ, nguyên là lính chú Bảy Nhỏ, nay là hội viên Hội CCB thị xã Năm Căn...

Anh Thúy cặm cụi ghi chép tỉ mỉ. Đây là cây viết cứng cáp đang đạt độ sung mãn của làng văn nghệ Cần Thơ bây giờ. Nhất định anh sẽ có những bài viết sâu sắc. Tôi cũng dở sổ tay, ghi nhanh lại cảm xúc bằng mấy vần lục bát:
"...Ngọt bùi cơm mắm con bưng
Có tình của má theo từng bước chân
Lặng thầm gánh vác gian truân
Chở che nuôi dưỡng đoàn quân giữa rừng".

Thế là chắc ăn sẽ có bài nộp cho ông “chính ủy”.

Đường về

Chuyến đi nào cũng có điểm đầu, điểm cuối. Trên đường về, thành phố Cà Mau ân cần, lịch thiệp đón chúng tôi. Những “cựu binh” đã gặp, lại gặp và sắp gặp, ai cũng rất chân tình. Lại thêm đám anh em văn nghệ sĩ từ báo Cà Mau. Nhận lời ai đi ăn, từ chối khéo để khỏi làm mất lòng ai cũng là những việc gây cho “chính ủy” nhiều bối rối. Hồi chiến tranh, khi còn là sĩ quan tác chiến hay tham mưu trưởng, phải phản ứng nhanh, ông ít khi gặp phải tình huống khó xử như thế. Cuối cùng, “thủy thủ đoàn” phải tách đôi. Anh Hoàng Hoa và tôi tối hôm ấy, được chỉ định đi với anh em “làng báo”. Nhóm còn lại theo “chính ủy” đi dự tiệc chiêu đãi của “cựu binh”.

Trên đường về, đoàn ghé thăm mộ 10 liệt sĩ Hòn Khoai. Thắp nén nhang thơm gửi những người đi trước tấm lòng tri ân và những lời thầm hứa. Chuyến đi đã khép lại, nhưng trong lòng anh em “thủy thủ đoàn” vẫn ngập tràn những xúc cảm. Những xúc cảm khó quên và thôi thúc trách nhiệm đối với những người cầm viết phải ghi lại trung thực những chiến công thầm lặng, những tấm lòng, những chứng tích lịch sử và những trang truyền thống sống mãi trong lòng người, sống mãi với thời gian.

Nắng Xuân

(*) Thơ Khưu Ngọc Bảy

Nguồn: http://aotrang.vn

 

Theo con tàu không số về nguồn

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: TƯ LIỆU - HỒI KÝ :: Tư Liệu - Hồi Ký Việt Nam-
Copyright ©2010 - 2012
Design by by Nguyen Duc Toan
Bản quyền by Nguyen Duc Toan
Nickname: nguyenductoan201188.
RSS RSS 2.0 XML MAP
Powered by phpBB Version 2.0 Lisenced
Copyright ©2010 - 2013
Lưu ý:Xem diễn đàn tốt nhất ở độ phân giải 1024x768 và sử dụng Fire Fox 3


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất