CHÀO MỪNG BẠN!

Vui lòng chọn "Đăng Nhập" nếu Bạn là Thành Viên.

Chọn "Đăng Ký" nếu Bạn chưa là Thành Viên.

Nếu Bạn chỉ dạo chơi thôi thì chọn mục còn lại.

Chúc các bạn có những giây phút thoải mái và những bài học bổ ích với Diễn Đàn Lịch Sử!

CHÀO MỪNG BẠN!

Vui lòng chọn "Đăng Nhập" nếu Bạn là Thành Viên.

Chọn "Đăng Ký" nếu Bạn chưa là Thành Viên.

Nếu Bạn chỉ dạo chơi thôi thì chọn mục còn lại.

Chúc các bạn có những giây phút thoải mái và những bài học bổ ích với Diễn Đàn Lịch Sử!

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Chào mừng Thành viên thứ 110 -tuan khanh- tham gia vào Diễn Đàn của chúng ta!
 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Duc Toan (673)
trongnguyen (104)
nguyenlinh (90)
xuanhoa20 (36)
nth999 (34)
673 Số bài - 58%
104 Số bài - 9%
90 Số bài - 8%
62 Số bài - 5%
50 Số bài - 4%
42 Số bài - 4%
36 Số bài - 3%
35 Số bài - 3%
34 Số bài - 3%
34 Số bài - 3%

Share | 

 

 "Tứ Nguyệt Tam Vương, Triệu bất tường"

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
"Tứ Nguyệt Tam Vương, Triệu bất tường" I_icon_minitime06.05.11 6:11

Duc Toan
Xem phim, Cafe, Online....

Quản Lý

Duc Toan

Quản Lý

http://lichsu-ctu.info
Nam
Tổng số bài gửi : 673
Điểm Thi Lịch Sử : 102325
Hệ Thống Chấm Điểm : 159
Birthday : 20/11/1988
Ngày Tham Gia : 11/04/2010
Tuổi : 35
Đến từ : Trường Đại học Cần Thơ
Công Việc : Giảng Viên
Sở Trường/ Sở Thích Sở Trường/ Sở Thích : Xem phim, Cafe, Online....

Bài gửiTiêu đề: "Tứ Nguyệt Tam Vương, Triệu bất tường"

 
Sau khi vua Tự Đức thăng hà (19.7.1883), triều đình Nguyễn lâm vào thế rối ren. Chỉ trong 4 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11.1883), ngai vàng triều Nguyễn đã 3 lần đổi chủ: Dục Đức - Hiệp Hòa - Kiến Phúc. Lợi dụng tình hình này, thực dân Pháp mở cuộc tấn công vào cửa biển Thuận An (do thiếu tướng Courbet chỉ huy). Quan quân triều Nguyễn anh dũng chống trả nhưng do chênh lệch lực lượng nên bị thất bại. Triều đình buộc phải nghị hòa với Pháp. Sau cùng, thực dân Pháp ép triều Nguyễn ký hòa ước Quý mùi (Hoà ước Harmand) với những điều khoản rất bất lợi cho triều Nguyễn và gia tăng quyền lực cho Tòa Khâm sứ ở Huế, cho phép Khâm sứ Trung Kỳ trực tiếp can dự vào chính sự nước ta. Vì thế nên bấy giờ ở Huế lan truyền hai câu thơ: Nhất giang lưỡng quốc ngôn nan thuyết. Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường (Một sông, hai nước, lời khó nói. Bốn tháng, ba vua, điềm chẳng lành).

Khi viết về giai đoạn này, các nhà sử học thường cho rằng các cuộc phế - lập liên tiếp này là kết quả của cuộc đấu tranh quyền lực giữa phái chủ chiến và phái chủ hòa trong triều đình bấy giờ. Liệu có còn những nguyên nhân nào khác?


VUA DỤC ĐỨC


Vua Dục Đức tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Chân. Ông sinh ngày 4 tháng Giêng năm Quý sửu (11.2.1853), là con thứ hai của Thoại Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y (con trai thứ tư của vua Thiệu Trị). Thuở nhỏ ông có tên là Ưng Ái. Năm 1869, khi được 17 tuổi, ông được vua Tự Đức chọn làm dưỡng tử (con nuôi) và đổi tên thành Ưng Chân. Năm 1870, vua Tự Đức ban dụ chọn Ưng Chân làm hoàng trưởng tử, cho xây Dục Đức Đường ở bên ngoài cửa Hiển Nhân của Hoàng Thành làm nơi ăn ở và học hành của Ưng Chân và giao cho Lệ Thiên Anh hoàng hậu trông coi việc dạy bảo.

Vua Tự Đức muốn người nối ngôi phải thật sự tài năng và đức độ nên thường để ý xem xét hành vi của Ưng Chân, trong khi Ưng Chân là người ham chơi, phóng túng nên thường bị vua Tự Đức quở trách. Vua bảo: “Hoàng tử Ưng Chân từ khi ra nhà học đến nay, đã nhiều lần giao cho đình thần chọn kỹ các viên giáo đạo đều là bậc chính nhân lúc bấy giờ, lại đặt các viên giảng tập là để cho sớm tối giảng tập sửa chữa không phải là không đến nơi đến chốn. Thế mà ba, bốn năm nay, học và hạnh đều chưa thấy tiến ích sao cho xứng đáng với lòng mong mỏi của trẫm”. Vua còn cho rằng tư chất của Ưng Chân thuộc hạng người “bậc trung trở xuống, không dạy không nên người, không nghiêm cũng không được, bèn sai chọn lấy một cái roi mây, nguyên trước ban cho nhà học Chấn Hanh, giao cho hai viên giáo đạo, để làm hình phạt trong khi dạy Ưng Chân” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, Tập 5, Nxb Giáo dục, 2005, tr.1332) mỗi khi ông biếng học.

Năm Nhâm ngọ (1882), hiệp lĩnh thị vệ Nguyễn Văn Thành thông đồng với Ưng Chân, giả lệnh thái hậu (bà Từ Dũ) đưa con gái vào Dục Đức Đường làm thiếp cho Ưng Chân. Việc bị phát giác, Ưng Chân bị tước bổng lộc trong hai năm. Năm Quý mùi (1883), vua Tự Đức phong cho Ưng Chân tước Thoại Quốc công. Tháng 6 năm đó, vua Tự Đức đau nặng, cho triệu quần thần vào công bố di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân. Vì muốn cảnh tỉnh Ưng Chân và mong tự quân (vua kế ngôi) sẽ đi theo con đường thiện, nên trong di chiếu truyền ngôi có đoạn viết: “…đản vi hữu mục tật, bí nhi bất tuyên, cừu khủng bất minh, tính khả hiếu dâm diệc đại bất thiện, vị tất năng đương đại sự. Quốc hữu trưởng quân xã tắc chi phúc, xả thử hà dĩ tai”. (…nhưng vì có tật ở con mắt nên hành vi mờ ám, sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt, chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây?) (Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb. Thuận Hóa, 1995, tr. 371).

Vua Tự Đức giao Hội đồng phụ chính gồm Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, phối hợp với Thọ Xuân Vương Miên Định và Tuy Lý Vương Miên Trinh (đều là hoàng tử con vua Thiệu Trị) lo can ngăn những điều sai quấy của tự quân. Cả ba vị trong Hội đồng phụ chính đều dâng sớ xin vua Tự Đức lược bỏ đoạn di chiếu không hay về Ưng Chân nhưng vua không đồng ý, cho rằng viết như thế là để cảnh tỉnh Ưng Chân.

Ngày 18 tháng 6 năm Quý mùi, Ưng Chân triệu tập quần thần ở Quang Minh Điện, nói rằng: “Vua là bậc đứng đầu trăm họ, phải là người có đạo đức đứng đầu, di chiếu của tiên đế, vì lo cho trăm họ, nên có lời răn bảo nghiêm khắc như trên. Ngày nay việc nước khó khăn, quan hệ ngoại giao căng thẳng, nếu để lời di chiếu lan truyền thì quân Pháp sẽ tìm cớ gây rắc rối, mà các lân bang cũng xem thường, với tình hình như vậy, đình thần giải quyết ra sao?”. Rồi đề nghị quần thần bỏ đoạn di chiếu trên, song quần thần tâu rằng: “Hội đồng phụ chính đã tâu xin bỏ nhưng Tiên đế không chịu”. Ưng Chân lại yêu cầu các quan suy nghĩ thêm để tìm cách “tránh hại cho việc nước” (Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb. Thuận Hóa, 1995, tr. 371).
Ưng Chân vốn có quan hệ mật thiết với người Pháp. Từ năm 1881, ông đã chuyển giao nhiều tài liệu quan trọng liên quan đến việc nước cho khâm sứ Rheinart. Điều này khiến hai viên phụ chính đại thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lo ngại nên tìm cách phế bỏ ông.

Ngày 19 tháng 6 năm Quý mùi, triều thần làm lễ tấn tôn Ưng Chân lên ngai vàng, Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành tuyên đọc di chiếu, đến đoạn văn trên thì không đọc (có sách chép là cố tình đọc nhỏ để đình thần không nghe rõ), liền bị Tôn Thất Thuyết đàn hặc, phải dừng đọc. Tôn Thất Thuyết cử Tham tri Nguyễn Trọng Hợp đọc lại di chiếu, rồi kết tội Ưng Chân và dâng biểu hạch tội lên cho Lưỡng cung (thái hoàng thái hậu Từ Dũ và hoàng thái hậu Lệ Thiên Anh, mẹ và vợ của vua Tự Đức). Ưng Chân bị kết ba tội: Muốn sửa di chiếu - Có đại tang mà mặc áo màu - Hư hỏng chơi bời. Ba ngày sau lại thiết triều, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tuyên bố phế bỏ Ưng Chân theo lệnh của Lưỡng cung. Đình thần không ai dám nói gì, chỉ có quan ngự sử Phan Đình Phùng đứng lên phản đối, liền bị Tôn Thất Thuyết bắt giam, rồi cách chức đuổi về quê.

Ưng Chân bị giam ở Dục Đức Đường, sau dời sang giam tại Thái Y Viện. Đến tháng 9 năm Quý mùi thì bị chuyển vào giam tại ngục thất phủ Thừa Thiên rồi bị bỏ đói cho đến chết. Ông mất ngày 6 tháng 9 năm Giáp thân (24.10.1884), khi mới 31 tuổi. Do chưa kịp đặt niên hiệu, nên người đời sau đã lấy tên Dục Đức Đường, là nơi ở và cũng là nơi giam cầm ông sau này, để gọi ông là vua Dục Đức.

Sau khi mất, người ta gói thi hài của vua vào một chiếc chiếu, giao cho hai người lính và một viên quyền suất đội gánh đi chôn. “Ðám tang” của ông vua xấu số này được đưa về An Cựu, dự tính mai táng trong khuôn viên chùa Tường Quang, là nơi cô ruột của vua Dục Đức đang tu hành. Tuy nhiên, trên đường đi, chiếc “quan tài” bằng chiếu này bị đứt dây rơi xuống cạnh một khe nước cạn ở đầu làng An Cựu. Một người lính chạy vào chùa Tường Quang mời ni sư trụ trì ra xử lý vụ việc. Sau cùng, mọi người nhất trí chọn nơi chiếc quan tài rơi xuống làm nơi yên nghỉ của vua vì cho rằng đó là đất “thiên táng” và chôn cất qua loa cho xong chuyện. Ba ngày sau, vợ con của nhà vua mới được thông báo để làm lễ chịu tang. Nấm mộ đất cạnh khe nước cạn, lại không người chăm sóc nên nhanh chóng tàn lụi. Ít lâu sau, có một người ăn mày trên đường đi xin ăn, bị kiệt sức và chết ngay vị trí từng là nấm mộ của vua Dục Đức. Do nấm mộ của vua đã bị thời gian và nước chảy làm biến dạng, không còn nhận diện được nên dân địa phương đã chôn ông ăn mày ngay trên nấm mộ của vua Dục Đức mà không hay biết.

Năm 1889, do một hoàn cảnh bất ngờ, con trai của vua Dục Ðức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên làm vua. Sau khi tức vị, Bửu Lân đặt niên hiệu là Thành Thái (1889 - 1907) và bắt đầu cho tìm kiếm nơi chôn cất vua Dục Đức để xây đắp lăng mộ. Theo chỉ dẫn của những người am tường sự việc, vua Thành Thái đã tìm đúng nơi chôn cất thi hài của vua cha. Nhưng khi cải táng, lại thấy trong mộ có hai bộ xương nên đành lấp lại và cho xây dựng lăng mộ ngay tại mảnh đất “thiên táng” này. Lăng xây xong vào đầu năm 1890, đặt tên là An Lăng, nhưng chưa có điện thờ. Mọi nghi lễ thờ cúng vua Dục Ðức đều được tổ chức ở chùa Tường Quang cách đó 200m. Năm 1899, vua Thành Thái cho xây thêm điện Long Ân bên phải lăng mộ để làm nơi thờ cúng vua Dục Đức. Ngoài điện Long Ân, nhà vua còn cho xây cất các công trình phụ như Tả, Hữu phối đường (ở phía trước) và Tả, Hữu tùng viện (ở phía sau) dùng làm nơi ăn ở của 7 bà vợ thứ của vua Dục Đức, là những người đang chăm lo việc thờ phụng hương khói trong lăng. Sau khi bà Từ Minh (chính phi của vua Dục Ðức) tạ thế, triều đình mai táng thi hài của bà bên phải mộ vua Dục Ðức theo thế “càn khôn hiệp đức” như ở lăng vua Gia Long. Thế là cuối cùng ông vua vắn số Dục Đức cũng được “mồ yên, mả đẹp” bên cạnh hiền thê của mình. Năm 1892, vua Thành Thái truy tôn Dục Đức là Cung Tông Huệ hoàng đế. Tuy nhiên, do vua Dục Đức bị phế truất, nên linh vị của ông không được đưa vào thờ trong Thế Tổ Miếu ở trong Đại Nội Huế như các vị vua Nguyễn khác.

Ông Nguyễn Phước Bảo Hiền, chắt nội của vua Dục Đức, hiện đang sống trong khu An Lăng cho hay: do trong ngôi mộ của vua Dục Đức mai táng đến hai người (vua Dục Đức và ông ăn xin), nên mỗi khi cúng giỗ nhà vua, người trong gia quyến của vua Dục Đức không bái lạy ở chính giữa ngôi mộ của ông mà chỉ lạy ở phía trái. Sở dĩ có việc này là vì theo quan niệm của người xưa, người có chức phận cao hơn, tuổi lớn hơn, hoặc là nam giới thì được thờ về bên trái (tả chiêu hữu mục, tả nam hữu nữ, tả văn hữu võ…). Vì thế, người thân nhà vua tin rằng linh hồn ông đang tại hưởng ở phía trái, còn ông ăn xin thì “ngụ” ở phía phải, nên mới bái lạy về phía trái mà thôi.

Tuy là vua, nhưng Dục Đức khi sống chẳng được vinh hoa, đến lúc chết cũng chẳng an nhàn. Xem ra, không phải ai làm vua cũng sướng

VUA HIỆP HÒA

Sau khi phế truất vua Dục Đức, hai vị Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã dâng sớ lên Lưỡng cung đề nghị lập Nguyễn Phúc Hồng Dật, hoàng tử thứ 29 của vua Thiệu Trị và là em út của vua Tự Đức, lên ngai vàng.

Được Lưỡng cung phê chuẩn, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường liền cử phái đoàn lên tư dinh của Hồng Dật ở Kim Long, đón ông vào cung để đưa lên làm vua. Tuy nhiên, bấy giờ ngai vàng đã trở thành một nơi rất nguy hiểm nên không ai muốn ngồi lên đó. Vì thế, Hồng Dật từ chối: “Tôi là con út của Tiên hoàng, tư chất tầm thường, vạn lần chẳng dám nhận”. Phái đoàn năn nỉ: “Vì phúc của xã tắc, nên ngài chớ từ chối”. Hồng Dật vẫn không ưng thuận. Phái đoàn phải dùng uy lực mới đưa được ông vào Đại Nội Huế.

Ngày 27 tháng 6 năm Quí mùi (30.7.1883), Hồng Dật lên ngôi, trở thành vua Hiệp Hòa. Nhưng thời gian ở ngôi của ông chỉ vỏn vẹn 4 tháng và ông vua “bất đắc dĩ” này đã kết thúc cuộc đời bằng cái chết oan nghiệt.

Vua Hiệp Hòa sinh ngày 24 tháng 9 năm Đinh mùi (1.11.1847), lúc nhỏ có tên là Nguyễn Phúc Hồng Dật. Năm Ất sửu (1865) ông được phong là Văn Lãng Quận công. Đến năm Mậu dần (1878) được phong là Lãng Quốc công, nên đương thời thường gọi ông là Lãng Quốc công Hồng Dật. Khi bị ép lên ngôi, triều đình chọn cho ông chữ Thăng trong bài Tự chế mạng danh thi khắc trong kim sách và đổi tên ông thành Nguyễn Phúc Thăng.

Hồng Dật là người có tiếng thông minh, ham học, say mê thi phú, giao thiệp rộng rãi. Trong một bài thơ ngự chế, vua Tự Đức đã khen ngợi ông: “Ngô đệ thập tứ nhân. Hiếu học giả thậm thiểu. Trừ khước Kiến Thụy công. Kim thượng tồn Văn Lãng” (Em ta được mười bốn. Ham học thật ít người. Ngoại trừ Kiến Thụy công. Nay chỉ còn Văn Lãng). Kiến Thụy công tức Thoại Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y, thân phụ vua Dục Đức, là bậc thức giả nổi tiếng đương thời. Vì thế, năm Nhâm ngọ (1882), vua Tự Đức giao cho Hồng Dật kiêm nhiếp Tôn nhân phủ Hữu tôn khanh.

Sau khi phế bỏ tự quân Dục Đức, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường tiến cử Hồng Dật vào chiếc ngai vàng đang tạm thời để trống. Tôn Thất Thuyết nói với Nguyễn Văn Tường rằng: “Ngài (Hồng Dật) sinh năm Đinh mùi (1847), đến nay vừa đúng 36 tuổi, tôi vốn biết từ lâu. Ngài là người tư chất thông minh, học rộng, giỏi thơ”. (Hồng Vĩ, “Số phận một hoàng đế: Vua Hiệp Hòa”, Huế xưa và nay, Số 4, 1994, tr. 74). Và cũng vì sự lựa chọn này mà họ cố tìm cách ép Hồng Dật lên ngôi cho bằng được.

Ngày 30.7.1883, Hồng Dật đăng quang, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa. Tại lễ tấn tôn, trong khi đang bá quan đang quỳ lạy tân vương thì có một con chim quạ đậu trên ngọn cây trước điện Thái Hòa kêu 4 tiếng lớn; đến khi tuyên chiếu lại có một đoàn dê đi qua cầu Kim Thủy ở trước Ngọ Môn. Đình thần cho đây là điềm không tốt đối với tân vương. (Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb. Thuận Hóa, 1995, tr. 336).

Trong khi triều thần nhà Nguyễn đang làm lễ tấn tôn vua Hiệp Hòa, thì tại Hải Phòng, thực dân Pháp triệu tập cuộc họp Hội đồng chiến tranh do Tổng ủy viên quân đội Pháp tại Đông Dương là Harmand làm chủ tọa. Harmand quyết định mở rộng chiến tranh ra nhiều vùng trong cả nước như Hải Dương, Quảng Yên, Hoài Đức, Hà Nội, Đà Nẵng, Thuận An (Huế)... Ngày 22.8.2883, Harmand gửi cho vua quan triều Nguyễn một tối hậu thư nói rằng triều đình Huế đã vi phạm nghiêm trọng Hòa ước Nhâm tuất mà triều Nguyễn đã ký với Pháp vào năm 1862. Harmand đe dọa: “Các ông chỉ có hai điều để quyết định: hòa hay chiến. Nếu các ông lựa chọn chiến tranh thì chiến tranh sẽ đưa các ông đến chỗ sụp đổ. Các ông muốn hòa bình thì chúng tôi sẵn sàng nhượng bộ các ông, nhưng các ông phải nhận cuộc bảo hộ của chúng tôi… Và sự kiện đó sẽ đem lại cái may mắn bậc nhất để triều đình các ông có thể tồn tại được”. (Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Ban KHXH Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tr. 300).

Thực dân Pháp biết rất rõ sự phân hóa giữa hai phái: chủ hòa và chủ chiến trong nội bộ triều Nguyễn lúc bấy giờ, cũng như vai trò và vị thế thực sự của các nhân vật ở trong triều như: vua Hiệp Hòa, hoàng thái hậu Từ Dũ, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường… Họ muốn lôi kéo vua Hiệp Hòa và bà Từ Dũ cùng một số hoàng thân theo phái chủ hòa chống lại hai ông Tường và Thuyết là những người theo phái chủ chiến. Khâm sứ Trung kỳ lúc đó là De Champeaux nhận định: “Vua Hiệp Hòa mới nối ngôi là nhân vật phụ, điểm xoáy hiện nay là bà Từ Dũ hoàng thái hậu cùng một số thân công trong hoàng tộc là ông Gia Hưng quận vương Hồng Hưu và ông Tuy Lý Vương Miên Trinh”. (Hồng Vĩ, “Số phận một hoàng đế: Vua Hiệp Hòa”, Huế xưa và nay, Số 4, 1994, tr. 75).

Về phía vua Hiệp Hòa, khi mới lên nối ngôi, ông muốn giữ thái độ thân thiện Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Nhưng về sau, do thấy hai người này quá chuyên quyền, nên vua Hiệp Hòa lấy làm khó chịu với họ và có ý định từng bước loại bỏ Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết nhận ra điều này nên giả vờ xin thôi chức Thượng thư bộ Binh để tránh tiếng là dùng quân đội để thao túng quyền lực. Trước động thái đó của Tôn Thất Thuyết, vua Hiệp Hòa chuyển ông sang làm việc ở bộ Lễ, rồi sang bộ Lại. Song trên thực tế, Tôn Thất Thuyết vẫn điều hành mọi hoạt động ở bộ Binh. Tôn Thất Thuyết còn lập đội cận vệ riêng gọi là Phấn nghĩa đội. Đội quân này mặc áo xanh, đội mũ rộng vành, mang mã tấu, thường theo lệnh Tôn Thất Thuyết sát hại những người trái ý vị Phụ chính đại thần này.

Bấy giờ, trong việc giao thiệp với người Pháp, ý kiến của vua Hiệp Hòa và của một số hoàng thân thường trái ngược với ý kiến của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Trước sức ép của người Pháp, vì muốn bảo vệ ngai vàng và dòng họ, nên vua Hiệp Hòa muốn chấp nhận sự bảo hộ của người Pháp và giao cho Tuy Lý vương Miên Trinh thay vua trực tiếp quan hệ với khâm sứ Pháp tại Huế.

Dưới sự chỉ đạo của vua Hiệp Hòa và bà Từ Dũ, Tuy Lý vương Miên Trinh và Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành đã thỏa thuận với Pháp để ký Hòa ước Quí mùi (Hòa ước Harmand). Điều này khiến Tôn Thất Thuyết rất tức giận. Tôn Thất Thuyết nói với Nguyễn Văn Tường rằng: “Chính Lãng Quốc công Hồng Dật mà ta đã đặt cả niềm tin và hy vọng để suy tôn ngôi trị vì thiên hạ với niên hiệu Hiệp Hòa. Lời dụ hãy còn đó. Thế nhưng như trở bàn tay, ký hòa ước là đã hàng giặc mất rồi. Đất mất, tướng cầm quân buộc phải triệu hồi về kinh. Như thế thì ông vua đó là người như thế nào?”. (Hồng Vĩ, “Số phận một hoàng đế: Vua Hiệp Hòa”, Huế xưa và nay, Số 4, 1994, tr. 75).

Sau sự kiện trên, quan hệ giữa vua Hiệp Hòa với hai vị Phụ chính đại thần ngày một căng thẳng. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường là hai người đứng đầu phái chủ chiến, thực sự nắm binh quyền trong tay và thao túng triều chính. Vua Hiệp Hòa rơi vào thế yếu nên cùng với bà Từ Dũ, Tuy Lý vương và Trần Tiễn Thành âm mưu mượn tay người Pháp để loại bỏ “quyền thần” Tôn Thất Thuyết. Hai hoàng thân Nguyễn Phúc Hồng Phì (con trai của Tùng Thiện vương) và Nguyễn Phúc Hồng Sâm (con trai của Tuy Lý vương) lãnh sứ mệnh đi điều đình với khâm sứ De Champeaux và đồng ý ngày giờ để thủy quân Pháp tấn công vào trụ sở bộ Binh nhằm bắt Tôn Thất Thuyết. Chẳng may việc bị bại lộ, do Trần Quốc, em trai của thái giám Trần Đạt biết tin nên đã mật báo cho Nguyễn Văn Tường. Nguyễn Văn Tường cho quân chặn bắt được người của vua Hiệp Hòa đang đem bức mật thư có bút phê của nhà vua phê chuẩn việc giết hại Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Đọc bức mật thư này, Tôn Thất Thuyết liền ra lệnh đem quân đi bắt vua Hiệp Hòa để xử tội. Tuy nhiên, sau khi nghe lời khuyên của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết nén giận, triệu tập triều thần ký tên vào tờ sớ dâng lên hoàng thái hậu Từ Dũ, kể tội vua Hiệp Hòa và đề nghị phế truất nhà vua. Vua Hiệp Hòa vị buộc các tội: tư thông ngoại quốc, dung dưỡng tạo phản và hủy hoại một số tự khí của tiên triều làm đồ trang sức, lấy đai vàng đúc thành con cờ… Tối ngày 30 tháng 10 năm Quí mùi (29.11.1883), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thân hành vào cung Diên Thọ để dâng sớ lên hoàng thái hậu, đồng thời, sai Ông Ích Khiêm và Trương Đăng Duệ dẫn 50 lính vào điện Càn Thành bắt buộc vua Hiệp Hòa phải viết chiếu thoái vị và tự xử theo lệ Tam ban triều điển. Thấy một đoàn người võ khí đầy mình xông vào cung điện giữa lúc đêm tối, vua Hiệp Hòa kêu lên một tiếng kinh hoàng rồi cuốn mình lại trong tấm chăn. Quân lính xông vào ôm lấy vua đang bọc mình trong chăn, vác sang Dục Đức Đường. Tại đó, người ta để sẵn 3 thứ trên bàn: một thanh gươm, một sợi dây và một chén thuốc độc. Ông Ích Khiêm và Trương Đăng Duệ quỳ xuống trước mặt vua Hiệp Hòa, vừa khóc vừa nói: “Vâng lệnh của hoàng thái hậu và triều đình, xinh Đức ông chọn lấy một trong 3 vật này và tự xử đi cho”. Vua Hiệp Hòa than: “Chẳng hay ta có tội tình gì mà triều đình nở giết ta?”. Ông Ích Khiêm và Trương Đăng Duệ cùng đáp: “Chúng thần chỉ biết vâng theo mật lệnh trên chứ không hiểu sự chi khác”. Vua Hiệp Hòa cứ trù trừ không chịu tự xử, Ông Ích Khiêm liền ra lệnh: “Đức ông không muốn tự xử, thì chúng mày cứ làm tròn phận sự”. Lập tức bọn lính đè cổ Hiệp Hòa xuống, cạy miệng vua đổ thuốc độc vào miệng và lỗ tai của vua. Hôm đó là ngày 29.11.1883. Tôn Thất Thuyết muốn nhanh chóng giết vua Hiệp Hòa vì sợ người Pháp biết chuyện sẽ ra tay can thiệp.

Sau khi bức tử vua Hiệp Hòa, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường ra lệnh giết Trần Tiễn Thành rồi phao tin ông bị kẻ cướp giết hại. Các nhân vật liên quan đến vụ việc gồm Hồng Sâm, Hồng Phì, Hồng Tu, sau một thời gian lẩn trốn, cũng bị bắt và bị giết chết. Tuy Lý vương Miên Trinh vì tuổi cao, sức yếu nên khỏi tội chết, chỉ bị đày vào Quảng Ngãi, Miên Tằng bị đày vào Bình Định, Miên Triêu bị đày vào Phú Yên. Hai ông Tường và Thuyết lựa chọn một nhân vật mới, Nguyễn Phúc Ưng Đăng, cũng là dưỡng tử của vua Tự Đức, để đưa lên ngai vàng, trở thành vua Kiến Phúc.

Thi thể của vua Hiệp Hòa được chôn ở làng Dương Xuân Hạ (nay thuộc phường An Tây, thành phố Huế) trong một ngôi mộ đơn giản. Về sau, triều đình và gia quyến mới tu bổ lại cho khang trang. Năm Tân mão (1891) vua Hiệp Hòa được truy phong là Văn Lãng Quận vương, thụy Trang Cung. Năm Kỷ hợi (1899), triều Thành Thái chép sử, ghi vua Hiệp Hòa là phế đế. Đó là vị phế đế thứ hai trong thời kỳ tứ nguyệt tam vương ly loạn.

VUA KIẾN PHÚC

Sau khi phế truất vua Dục Đức và giết vua Hiệp Hòa, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường gấp rút tìm kiếm một nhân vật mới để đặt lên chiếc ngai vàng đang để trống. Rút kinh nghiệm từ hai vụ “phế lập” vừa qua, người được hai ông Tường và Thuyết lựa chọn lần này phải là một vị tân vương “dễ bảo” và không thể đe dọa đến vị thế và quyền lực của hai vị đại thần này. Và họ đã chọn một cậu bé mới 15 tuổi, Nguyễn Phúc Ưng Đăng, dưỡng tử của vua Tự Đức, để đưa lên làm vua.

Cũng như Hồng Dật, Ưng Đăng không muốn ngồi lên cái ngai vàng lành ít dữ nhiều ấy. Vì thế, khi thấy người của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đến Khiêm Lăng tìm mình, Ưng Đăng sợ quá, chui xuống gầm giường để trốn. Mọi người phải lôi ông ra, bỏ lên kiệu, rước về Đại Nội trong một đêm mưa gió bão bùng. Mặc dù viện hết lý lẽ để từ chối, Ưng Đăng vẫn bị hai ông Tường và Thuyết ép lên ngôi vua. Cuối cùng ông phải gạt nước mắt, chấp nhận trở thành vua Kiến Phúc. Nhưng vị vua trẻ ấy chỉ ở ngôi được 8 tháng và kết thúc cuộc đời bằng một cái chết bí ẩn.

Vua Kiến Phúc tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, sinh ngày 2 tháng Giêng năm Kỷ tị (12.02.1869), là con trai thứ ba của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (hoàng tử thứ 26 của vua Thiệu Trị).

Năm lên 2 tuổi, ông được vua Tự Đức nhận làm con nuôi, đổi tên thành Nguyễn Phúc Ưng Hổ và giao cho Học phi Nguyễn Thị Hương chăm sóc, nuôi nấng. Năm 1832, vua Tự Đức cho dựng Dưỡng Thiện Đường làm nơi ăn ở và học tập của Ưng Hổ, vì thế, người trong hoàng gia và đình thần thường gọi ông là ngài Dưỡng Thiện. Theo thế phả họ Nguyễn Phúc: “Ngài (Ưng Đăng) là người sớm hiểu biết, tính tình thận trọng, trang nghiêm, biết giữ đạo làm con, lại ham thích sách vở nên vua Dực Tông (Tự Đức) rất yêu thương. Vua sai các quan mang tấu chương ở các nha thuộc của các bộ đến cắt nghĩa cho ngài rõ để tập quen chính sự, ý muốn cho ngài nối ngôi, nhưng tuổi ngài lúc đó còn quá nhỏ” (Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb. Thuận Hóa, 1995, tr. 383).

Theo nhà sử học Yoshiharu Tsuboi: “Nhà vua (Tự Đức) đã muốn chỉ định con nuôi thứ ba là Ưng Đăng nối ngôi, vì ông cho người này có khả năng nhất và nếu dựa vào chính sử và những tư liệu chưa được công bố thì ông đã coi Ưng Đăng là kẻ thừa kế. Tuy nhiên, vào phút chót ông đã thay đổi ý kiến và chọn con nuôi trưởng tức Ưng Chân, dù người này không hội đủ đức tính để làm vua”. (Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Ban KHXH Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tr. 302). Trong di chiếu do vua Tự Đức lập vào năm 1883 có viết về Ưng Đăng như sau: “Ưng Đăng tính thận trọng, dễ bảo, hầu hạ sớm hôm cẩn thận, chưa có khuyết điểm gì nhưng tuổi còn ít, học chưa thông, đương lúc khó khăn này chưa chắc đã am hiểu công việc, nên trẫm đành bỏ lòng riêng mà theo mưu kế lớn”. (Nguyễn Phúc tộc thế phả, tr. 383).

Nhưng cuối cùng Ưng Đăng cũng “được” làm vua, đúng ra là “bị” làm vua, trong một hoàn cảnh rất éo le. Vẫn theo lời nhà sử học Yoshiharu Tsuboi: Việc vua Tự Đức chọn Dục Đức lên nối ngôi đã trở thành nguồn gốc cho một chuỗi biến loạn trong cung đình Huế. Nguyễn Văn Tường có con trai lấy chị ruột của Ưng Đăng nên muốn Ưng Đăng lên làm vua để tăng thêm vây cánh cho mình. Việc không thành, Nguyễn Văn Tường tỏ ra bất mãn, nên cùng với Tôn Thất Thuyết tìm cách phế truất Dục Đức. Nhưng sau khi loại bỏ Dục Đức, Tôn Thất Thuyết lại không lựa chọn Ưng Đăng như ý muốn của Nguyễn Văn Tường mà chọn Hồng Dật (vua Hiệp Hòa) để đưa lên ngôi. (Yoshiharu Tsuboi, Sđd, tr. 303). Vì thế, sau khi Hiệp Hòa bị phế truất và bị bức tử, Nguyễn Văn Tường nhanh chóng hợp lực với Tôn Thất Thuyết để tiến cử Ưng Đăng. Xem ra, việc Ưng Đăng trở thành vua Kiến Phúc phần nào nằm trong mưu đồ riêng của Nguyễn Văn Tường.

Sau sự kiện vua Dục Đức bị phế, lấy cớ hầu hạ nhang khói cho vua Tự Đức, Ưng Đăng rời Đại Nội lên sống trong Khiêm Lăng (lăng vua Tự Đức), nhưng thực ra là do muốn tránh xa những hiểm họa ở trong triều. Vậy nhưng Ưng Đăng cũng không được yên thân. Ba giờ sáng đêm 29 tháng 10 năm Quí mùi (28.11.1883), người của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lên tận Khiêm Lăng cưỡng ép Ưng Đăng rước về hoàng cung. Đến ngày 3 tháng 11 năm Quí mùi (2.12.1883), Ưng Đăng được tấn tôn lên ngai vàng, lấy niên hiệu là Kiến Phúc và chọn chữ thứ tư (chữ Hạo) trong bài Tự chế mạng danh thi khắc trong kim sách để đổi làm tên mới: Nguyễn Phúc Hạo.

Gọi là vua, nhưng mọi việc trong triều đều hai vị Phụ chính đại thần sắp đặt. vua Kiến Phúc không có chút quyền bính nào. Tôn Thất Thuyết lập đội Phấn nghĩa, tập trung đám thủ hạ thân tín để bảo vệ mình và để trừ khử những người không thuận theo ý ông ta. Nguyễn Văn Tường thì nhận tiền hối lộ của thương nhân Trung Hoa, cho nhập tiền đồng mang niên hiệu Tự Đức thông bảo do người Tàu đúc, chất lượng và hình thức rất kém, đem về lưu thông trong nước, bắt ép mọi người phải tiêu dùng. Những việc làm này trái với luật lệ và vương pháp nhưng vua Kiến Phúc và đình thần không ai dám phản đối.

Đối với người Pháp, việc Kiến Phúc lên nối ngôi là một nguy cơ. Bởi lẽ, do vua còn nhỏ tuổi, quyền hành không có, nên không thể can ngăn hai vị đại thần “gây chiến” với người Pháp. Khâm sứ Trung Kỳ lúc đó là De Champeaux sợ Tôn Thất Thuyết có thể bất thình lình tấn công tòa khâm sứ nên yêu cầu Léjard, viên sĩ quan đang chỉ huy lực lượng Pháp ở cửa Thuận An, tăng cường cho tòa khâm sứ thêm 50 lính. Léjard tăng viện cho De Champeaux 100 lính và một chiếc pháo hạm neo đậu trên sông Hương, ngay phía trước tòa khâm sứ Trung Kỳ, để đề phòng bất trắc. Vậy nhưng De Champeaux vẫn chưa yên tâm, liên tiếp yêu cầu quân Pháp từ Sài Gòn ra tiếp viện. De Champeaux cũng không chịu thừa nhận vua Kiến Phúc, cắt đứt mọi liên lạc với triều đình Việt Nam, cố thủ trong tòa khâm sứ để chờ viện binh.

Ở Bắc Kỳ, quân Pháp áp dụng chính sách tàm thực (tằm ăn dâu), lần lượt đánh chiếm các tỉnh thành Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Tuyên Quang do quan quân triều đình trấn giữ. Trong khi đó, quân Cờ Đen của người Trung Quốc, do triều đình nhà Nguyễn cầu viện sang giúp đánh Pháp, lại đang chiếm giữ các tỉnh thành ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai. Trước tình thế trên, người Pháp nhận thức rằng, muốn giải quyết vấn đề Việt Nam một cách hữu hiệu, trước tiên phải dàn xếp với triều đình Trung Hoa. Và họ đã làm được điều đó nhờ một hiệp ước được ký kết tại Thiên Tân vào ngày 5.5.1884, giữa đại diện của Pháp là trung tá Fournier và đại diện của Thanh triều là Tổng đốc Trực Lệ Lý Hồng Chương. Hiệp ước này gồm 5 điều khoản, thỏa thuận chia sẻ quyền lợi của người Trung Hoa với người Pháp ở Việt Nam. Trong đó có hai điều khoản làm thay đổi cục diện ở trên chiến trường và ảnh hưởng đến chính trường ở Huế. Đó là: người Tàu phải rút hết quân về nước và phải tôn trọng những ký kết giữa Pháp với triều đình Huế trước đây và trong tương lai.

Có được thỏa thuận với Thanh triều, tình hình ở phía Bắc đã tạm yên do quân Cờ Đen đã rút về bên kia biên giới, Pháp tập trung giải quyết chuyện ở Trung Kỳ. Vin vào cớ thể theo yêu cầu của triều đình Việt Nam, người Pháp quyết định sửa lại Hòa ước Quí mùi (Hòa ước Harmand) đã ký với triều đình Hiệp Hòa vào ngày 23.7.1883. Sau nhiều vòng thương lượng, vào ngày 6.6.1884, lễ ký kết Hòa ước Giáp thân (Hòa ước Patenôtre) giữa đại diện của chính phủ Pháp với triều Nguyễn diễn ra tại tòa khâm sứ Trung Kỳ. Đây là một hòa ước rất bất lợi cho triều Nguyễn, bởi lẽ trong hòa ước này có điều khoản cho phép Khâm sứ Trung Kỳ được quyền yết kiến vua Việt Nam và cho quân Pháp vào đồn trú trong thành Mang Cá ở trong Kinh Thành Huế. Ngoài ra, theo thỏa thuận trong Hòa ước Thiên Tân giữa Pháp với Thanh triều, thì Việt Nam không còn lệ thuộc Trung Hoa nên chiếc ấn bằng vàng nặng 6kg, có khắc dòng chữ Hán: Việt Nam quốc vương chi ấn, do Thanh triều phong cho nhà Nguyễn trước đây không còn hiệu lực. Vì thế, Pháp yêu cầu triều Nguyễn gửi chiếc ấn này sang Pháp để làm kỷ niệm. Nhưng Nguyễn Văn Tường nhất quyết không chịu điều này. Cuối cùng, hai bên thống nhất hủy chiếc ấn bằng cách nấu cho tan chảy.

Tất cả những việc trên đều nằm ngoài tầm kiểm soát của vua Kiến Phúc, một phần vì vua đang lâm bệnh, phần khác vì hai vị đại thần Tường và Thuyết không cho vị vua trẻ can dự vào. Giữa lúc đó thì vua Kiến Phúc thăng hà (ngày 31.7.1884), kết thúc tám tháng làm vua bất đắc dĩ.
Về cái chết của vua Kiến Phúc, chính sử nhà Nguyễn chép là vua chết do bạo bệnh. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ ông đã bị Nguyễn Văn Tường ra tay sát hại bằng cách bỏ thuốc độc vào thang thuốc chữa bệnh cho vua. Nhà sử học Bửu Kế cho rằng sở dĩ Nguyễn Văn Tường giết vua Kiến Phúc là vì các lý do sau:

- Thứ nhất, cả Tường và Thuyết thấy “vua Kiến Phúc cùng với những người có thế lực trong hoàng gia thường tư thông với khâm sứ Pháp và làm trở ngại cho công việc của nhóm chủ chiến” vì thế họ giết ông và thay thế bằng một vị vua nhỏ tuổi hơn để dễ việc nắm trọn quyền bính.

- Thứ hai, hai vị quyền thần này cho rằng Hòa ước Giáp thân, được ký kết nhân danh vua Kiến Phúc, có quá nhiều bất lợi cho triều Nguyễn và nhất là cho phái chủ chiến. Nếu vua Kiến Phúc không còn nữa thì hòa ước này sẽ mất hết hiệu lực.

- Thứ ba, vì Nguyễn Văn Tường tự tiện vào cung cấm lúc ban đêm (có người cho là để tư tình với Học phi Nguyễn Thị Hương), bị vua Kiến Phúc phát hiện và la quở. Vì thế Nguyễn Văn Tường phải giết vua để bịt đầu mối. (Bửu Kế, Chuyện triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, 2002, tr. 128 - 129).

Thực hư không ai dám chắc, bởi những người trong cuộc đã mang theo bí mật này xuống suối vàng từ hơn 120 năm trước.

Vua Hàm Nghi lên nối ngôi đã dâng tôn thụy cho vua Kiến Phúc là Giản Tông Thiệu Đức Chí Hiếu Uyên Duệ Nghị Hoàng Đế và rước bài vị của ông vào thờ trong Thế Tổ Miếu.
Vua Kiến Phúc không có lăng mộ riêng. Ông được mai táng trong Bồi Lăng, nằm bên trong Khiêm Lăng của vua Tự Đức. Vậy là cuối cùng hiếu tử Ưng Đăng được yên nghỉ bên cạnh dưỡng phụ Tự Đức. Âu đó cũng là một điều an ủi cho vị vua chết trẻ vậy.
St


"Tứ Nguyệt Tam Vương, Triệu bất tường" I_icon_minitime10.05.11 20:54

lythanhthuy
di du lich

Thành viên

lythanhthuy

Thành viên

Nữ
Tổng số bài gửi : 7
Điểm Thi Lịch Sử : 11
Hệ Thống Chấm Điểm : 0
Birthday : 16/05/1989
Ngày Tham Gia : 10/05/2011
Tuổi : 34
Đến từ : Khanh Hoa
Công Việc : That nghiep
Sở Trường/ Sở Thích Sở Trường/ Sở Thích : di du lich

Bài gửiTiêu đề: Re: "Tứ Nguyệt Tam Vương, Triệu bất tường"

 
Nhất giang lưỡng quốc ngôn nan thuyết.
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường
Dịch:
Một sông, hai nước, lời khó nói.
Bốn tháng, ba vua, điềm chẳng lành

 

"Tứ Nguyệt Tam Vương, Triệu bất tường"

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: LỊCH SỬ VIỆT NAM :: Lịch Sử Việt Nam Cận Đại-
Copyright ©2010 - 2012
Design by by Nguyen Duc Toan
Bản quyền by Nguyen Duc Toan
Nickname: nguyenductoan201188.
RSS RSS 2.0 XML MAP
Powered by phpBB Version 2.0 Lisenced
Copyright ©2010 - 2013
Lưu ý:Xem diễn đàn tốt nhất ở độ phân giải 1024x768 và sử dụng Fire Fox 3


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất