CHÀO MỪNG BẠN!

Vui lòng chọn "Đăng Nhập" nếu Bạn là Thành Viên.

Chọn "Đăng Ký" nếu Bạn chưa là Thành Viên.

Nếu Bạn chỉ dạo chơi thôi thì chọn mục còn lại.

Chúc các bạn có những giây phút thoải mái và những bài học bổ ích với Diễn Đàn Lịch Sử!

CHÀO MỪNG BẠN!

Vui lòng chọn "Đăng Nhập" nếu Bạn là Thành Viên.

Chọn "Đăng Ký" nếu Bạn chưa là Thành Viên.

Nếu Bạn chỉ dạo chơi thôi thì chọn mục còn lại.

Chúc các bạn có những giây phút thoải mái và những bài học bổ ích với Diễn Đàn Lịch Sử!

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Chào mừng Thành viên thứ 110 -tuan khanh- tham gia vào Diễn Đàn của chúng ta!
 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Duc Toan (673)
trongnguyen (104)
nguyenlinh (90)
xuanhoa20 (36)
nth999 (34)
673 Số bài - 58%
104 Số bài - 9%
90 Số bài - 8%
62 Số bài - 5%
50 Số bài - 4%
42 Số bài - 4%
36 Số bài - 3%
35 Số bài - 3%
34 Số bài - 3%
34 Số bài - 3%

Share | 

 

 Giáo sư Phan Ngọc Liên - Một nhân cách, một sự nghiệp trồng người

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Giáo sư Phan Ngọc Liên - Một nhân cách, một sự nghiệp trồng người I_icon_minitime09.11.10 10:01

Duc Toan
Xem phim, Cafe, Online....

Quản Lý

Duc Toan

Quản Lý

http://lichsu-ctu.info
Nam
Tổng số bài gửi : 673
Điểm Thi Lịch Sử : 102325
Hệ Thống Chấm Điểm : 159
Birthday : 20/11/1988
Ngày Tham Gia : 11/04/2010
Tuổi : 35
Đến từ : Trường Đại học Cần Thơ
Công Việc : Giảng Viên
Sở Trường/ Sở Thích Sở Trường/ Sở Thích : Xem phim, Cafe, Online....

Bài gửiTiêu đề: Giáo sư Phan Ngọc Liên - Một nhân cách, một sự nghiệp trồng người

 
Ngày tôi học khoa Lịch sử, trường Đại học sư phạm Hà Nội năm 2003 - 2007, tôi có may mắn được học Giáo sư Phan Ngọc Liên - Người thầy của rất nhiều thế hệ giáo viên Lịch sử. Nhân đọc bài viết của Thạc sĩ Lê Hiến Chương trên Website khoa Lịch sử - Trường Đại học sư phạm Hà Nội, tôi xúc động và nhớ thầy Phan Ngọc Liên vô cùng!

"Mỗi lần có việc đến nhà riêng của thầy Phan Ngọc Liên, tôi đều đoán trước được một việc lặp lại gần như thường xuyên: chiếc bàn làm việc ở phòng khách có ánh đèn sáng, sau tiếng chuông cửa hoặc tiếng gọi của khách, thầy ló đầu ra ngoài cửa sổ: “Ai đấy?” - phương ngữ xứ Quảng không lẫn đi đâu được. Sau khi nhận ra người đến thăm (thường kèm theo một tiếng “A!”, kèm tên khách, thêm từ “ông” hoặc “cô” vào trước, bất kể già, trẻ) thầy mặc lấy áo ngoài, xỏ dép rồi ra mở cửa. Câu hỏi thăm đầu tiên bao giờ cũng mang tính chất bông đùa kèm theo những thông tin nho nhỏ, đã được cải biên đi một chút mà thầy nghe hoặc biết được từ ai đó, khiến người nghe bất ngờ rồi cười theo. Không khí buổi nói chuyện hay làm việc trở nên nhẹ nhàng bằng cách ứng xử rất riêng như thế của thầy. Và có một điều mà những ai gần gũi với giáo sư Phan Ngọc Liên cũng đều nhận thấy: mặc dù đã về hưu từ nhiều năm nay nhưng thầy vẫn làm việc thường xuyên với cường độ cao, quan tâm đến công việc của khoa, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ.

Giáo sư Phan Ngọc Liên sinh năm 1931 tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp trường Trung học phổ thông Lê Khiết, năm 1954, thầy tập kết ra Bắc, học tại trường Đại học Sư phạm. Từ năm 1957, thầy trở thành cán bộ giảng dạy khoa Lịch sử, thuộc bộ môn Lịch sử Thế giới. Năm 1965, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Liên Xô (cũ), thầy trở về khoa công tác, sau đó chuyển sang bộ môn Giáo học pháp, nay là bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học lịch sử. Vừa giảng dạy, nghiên cứu, thầy vừa đảm nhận nhiều cương vị chủ chốt của khoa, của trường và ngành giáo dục: Trưởng khoa Lịch sử, Bí thư Đảng uỷ trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó trưởng Đoàn chuyên gia giáo dục Việt Nam tại Lào, Chủ tịch Hội Giáo dục lịch sử Việt Nam,…Với những cống hiến liên tục cho nền giáo dục nước nhà, năm 2000 thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Nếu lấy năm 1951 làm mốc thành lập của khoa Lịch sử - trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì giáo sư Phan Ngọc Liên thuộc thế hệ nhà giáo thứ hai (“khai sơn tổ sư” của khoa là năm học giả nổi tiếng thế kỉ XX: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Chiêm Tế, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo). Cùng thế hệ đó còn có những người thầy đáng kính khác như Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Đức Nghinh, Nguyễn Phan Quang, Đặng Đức An, Phạm Gia Hải, Lương Ninh,…- những “cây đa, cây đề” trong quá trình xây dựng và trưởng thành của khoa. Điểm nổi bật trong sự nghiệp khoa học của giáo sư Phan Ngọc Liên là những đóng góp mang tính đa lĩnh vực: ngoài việc giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh (trong đó có hơn 20 người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ), thầy là người có công xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo trình, giáo khoa, tài liệu tham khảo, chuyên khảo của nhiều bộ môn, chuyên ngành và cấp học. Gần 40 năm qua, giáo sư Phan Ngọc Liên đã công bố hàng trăm đầu sách và bài báo khoa học có giá trị đăng trên các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Lịch sử quân sự, Nghiên cứu giáo dục, Thông tin Khoa học xã hội,…Ngoài ra còn có nhiều báo cáo tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, nhiều bài viết được dịch và đăng trên các tạp chí, sách nước ngoài. Trong đó hai lĩnh vực được giáo sư quan tâm và có nhiều cống hiến nhất là lý luận và phương pháp dạy học lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh với việc nghiên cứu và dạy học lịch sử. Thầy vừa là chuyên gia đầu ngành vừa là người dẫn đường cho hầu hết cán bộ giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực lý luận và phương pháp dạy học lịch sử ở Việt Nam, đồng thời cũng là người có công hàng đầu trong việc xây dựng bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học lịch sử của khoa. Từ xuất phát điểm ban đầu là nghiên cứu khoa học cơ bản rồi chuyển sang khoa học giáo dục, thầy có tầm hiểu biết rất rộng cả về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới cũng như các môn khoa học bổ trợ khác. Chiều sâu và tầm bao quát hiếm có đó cũng ảnh hưởng và phản ánh trong công việc hàng ngày của thầy ngay cả khi về hưu: giảng dạy, viết bài và dịch sách, hướng dẫn và phản biện, nhận xét luận văn, luận án, công trình khoa học,…Đối với chúng tôi, sức làm việc của thầy thật đáng kinh ngạc.

Một trong những điều được giáo sư Phan Ngọc Liên quan tâm nhất những năm gần đây là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ trong khoa. Mặc dù không tiếp xúc thường xuyên nhưng thầy biết rõ về từng thành viên đang sinh hoạt trong Chi đoàn Cán bộ. Mỗi lần tới thăm hoặc làm việc, chúng tôi đều cảm nhận thấy sự quan tâm và lo lắng của thầy đối với quá trình phấn đấu và trưởng thành của cán bộ trẻ trong khoa. Thầy thường hướng chúng tôi đến việc đổi mới phương pháp dạy học, tránh tình trạng đọc - chép hoặc nói lại giáo trình, đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học trên cương vị cán bộ giảng dạy, từ đó truyền đạt cho sinh viên những kiến thức của riêng mình, đồng thời gợi mở cho người học tự nghiền ngẫm, tìm hiểu thêm. Từ khi Chi đoàn Cán bộ của khoa được thành lập (năm 1998) đến nay, bên cạnh công tác quản lý và bồi dưỡng của lãnh đạo khoa cũng như các tổ bộ môn, giáo sư Phan Ngọc Liên là người có vai trò tích cực trong việc tạo cầu nối cho cán bộ trẻ từ những sinh viên mới tốt nghiệp trở thành những người có thể tự tin và mạnh dạn bước vào con đường nghiên cứu khoa học thông qua việc sưu tầm tư liệu, biên soạn các đầu sách truyền bá tri thức lịch sử, sách tham khảo cho các bậc học phổ thông. Hầu hết cán bộ trẻ trong khoa những năm qua đều được tham gia vào những công trình, tác phẩm do thầy chủ biên hoặc đề xuất ý tưởng. Chúng tôi đã “được” rất nhiều trong những lần tham gia cùng thầy viết sách hoặc làm đề tài nghiên cứu. Có nhìn thấy những trang bản thảo của cán bộ trẻ được thầy sửa chữa chi tiết từng dấu chấm, phẩy đến lỗi diễn đạt (mà nhiều trang chữ mực đỏ nhiều hơn cả mực in), người ta mới thấy hết tâm nguyện của một nhà giáo lão thành đã đạt đến đỉnh cao trong công danh, sự nghiệp mà vẫn còn đau đáu với thế hệ đi sau.

Là giáo sư đầu ngành từng giữ nhiều vị trí chủ chốt của khoa và trường nhiều năm, nên trong mắt của học trò và đồng nghiệp, giáo sư Phan Ngọc Liên có một cái “uy” không nhỏ. Khi thầy chưa về hưu và còn lên khoa vào sáng thứ hai đầu tuần, cánh trẻ chúng tôi thường đến sớm, tụ tập ở văn phòng khoa nói chuyện phiếm, chờ đến lúc họp khoa hoặc nghe phổ biến kế hoạch, nhưng hễ thấy thầy bước vào cửa là hầu hết anh em đều đứng dậy chào rồi…len lén đi ra. Ai có việc gì đó thầy giao nhưng chưa hoàn thành cũng nép vào chỗ nào đấy, ngộ nhỡ thầy nhìn thấy thì cũng líu ríu sợ bị hỏi đến. Sợ thì sợ thật, nhưng từ khi vào học và ở lại khoa, tôi chưa thấy thầy mắng ai một cách gay gắt hoặc để bụng quá lâu một lỗi lầm nào đó của học trò, đồng nghiệp. Nếu thầy có nổi nóng hoặc “dỗi” một chuyện gì với ai đó thì tốt nhất là vâng dạ một chặp rồi cũng hết.

Những năm về già, giáo sư Phan Ngọc Liên vẫn giữ được “phom” người rất đẹp: dáng cao và đường bệ, da trắng hồng, tóc hoe bạc, một dáng vẻ ít thấy ở người Việt cao tuổi điển hình. Có lẽ cũng một phần vì vóc dáng đó nên thầy Nghiêm Đình Vỳ đã gọi giáo sư Phan Ngọc Liên là “lão Phật gia”. Lúc nhắc đến thầy, chúng tôi thường dùng từ “cụ” hoặc thỉnh thoảng gọi vui là “Thái thượng hoàng”. Thường khi ở khoa, ở trường, thầy không hay tỏ ra để ý hay hỏi han này nọ với người khác, nhưng lại biết nhiều và nhớ rất rõ về từng người xung quanh. Không chỉ biết, nhớ mà thầy còn rất tinh ý và quan tâm đến từng người một cách thiết thực. Tôi nhớ năm 2005, sau chuyến công tác ở Hoa Kì và một số nước châu Âu, thầy dành cả một buổi sáng để ngồi chia và gói quà cho cán bộ trong khoa. Mỗi người có một món quá nhỏ nhưng đều được thầy tính kĩ: ai uống được rượu thì có một chai rượu nhỏ, các cô mỗi người một lọ mỹ phẩm hay dụng cụ nhà bếp, cán bộ trẻ trong Chi đoàn mỗi người một cái bút bi và tấm vải che mắt dùng khi ngủ trưa,…Trong túi xách của thầy sau chuyến công tác nước ngoài còn có những cuốn sách giáo khoa phổ thông và sách chuyên khảo lịch sử mà thầy đã cất công tìm kiếm mua về để đồng nghiệp trong khoa quan tâm có thể dùng đến. Chúng tôi học được ở thầy rất nhiều từ điều “tiểu thiện” như vậy.

Những người từng làm công tác quản lý lâu năm hoặc đã cao tuổi thường đạo mạo, kín kẽ trong giao tiếp, nhưng tiếp xúc với giáo sư Phan Ngọc Liên, điều mà ai cũng thừa nhận là thầy vừa nghiêm túc trong công việc lại vừa vui tính, có thể dùng từ “thanh niên tính” thì đúng hơn. Đối với đồng nghiệp ít tuổi hơn hoặc học trò, mỗi lần vui vẻ thầy vẫn bông đùa hoặc xưng “ông - tôi” một cách rất tự nhiên. Thỉnh thoảng chúng tôi lại sững người vì những câu nói đùa của thầy, về sau lại nhắc lại với người khác làm vui. Có lẽ tính cách này được hình thành từ vùng đất Quảng - quê hương của thầy. Trong số các giáo sư nổi tiếng của ngành sử, tôi thấy thầy có nhiều điểm tương đồng với thầy Đinh Xuân Lâm và thầy Nguyễn Phan Quang - những ông đồ Nghệ lão làng - về phong cách này. “Tính Quảng” cũng thể hiện rất rõ tính cách của giáo sư Phan Ngọc Liên cũng như không khí trong gia đình của thầy: thẳng thắn, bộc trực, dễ nổi nóng nhưng cũng rất có tình có nghĩa. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh những phóng viên người Anh vừa ngạc nhiên vừa khâm phục khi nghe thầy trả lời phỏng vấn về vấn đề dạy học lịch sử ở Việt Nam. Mọi câu hỏi khó nhằn và có tính gài bẫy đều được thầy hoá giải êm thấm bằng những câu trả lời vừa thẳng thắn, vừa chân tình lại hàm ý “trả miếng” không kém cạnh. Nói gần, nói xa một chặp, thầy lại chỉ tay sang giáo sư Đỗ Thanh Bình đang ngồi cạnh và tranh thủ “tiếp thị” với nhóm phóng viên: “Các vị đến đây phỏng vấn là đúng chỗ rồi, sau này nếu có gì thì cứ liên hệ, cộng tác với khoa chúng tôi!”.

Giờ đây, giáo sư Phan Ngọc Liên đã đi xa trong niềm thương tiếc của các thế hệ học trò, đồng nghiệp, để lại nhiều công trình còn ấp ủ, dở dang. Thầy cũng mang theo cả những di sản kí ức về quá trình xây dựng và trưởng thành của khoa mà chúng tôi chưa kịp khai thác khi thầy còn khoẻ mạnh, minh mẫn. Đó là một trong những điều đáng tiếc lớn nhất!
Cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Phan Ngọc Liên là một tấm gương mẫu mực về sự tận tâm với con người, tận lực với khoa học, một nhân cách lớn gắn liền với một trí tuệ lớn. Đó cũng là những nét điển hình của nhiều trí thức chân chính mà thời đại Hồ Chí Minh đã hun đúc và tạo nên"

Lê Hiến Chương
Nguồn: http://edu.goonline.vn

 

Giáo sư Phan Ngọc Liên - Một nhân cách, một sự nghiệp trồng người

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Chân Dung Sử Học-
Copyright ©2010 - 2012
Design by by Nguyen Duc Toan
Bản quyền by Nguyen Duc Toan
Nickname: nguyenductoan201188.
RSS RSS 2.0 XML MAP
Powered by phpBB Version 2.0 Lisenced
Copyright ©2010 - 2013
Lưu ý:Xem diễn đàn tốt nhất ở độ phân giải 1024x768 và sử dụng Fire Fox 3


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất