CHÀO MỪNG BẠN!

Vui lòng chọn "Đăng Nhập" nếu Bạn là Thành Viên.

Chọn "Đăng Ký" nếu Bạn chưa là Thành Viên.

Nếu Bạn chỉ dạo chơi thôi thì chọn mục còn lại.

Chúc các bạn có những giây phút thoải mái và những bài học bổ ích với Diễn Đàn Lịch Sử!

CHÀO MỪNG BẠN!

Vui lòng chọn "Đăng Nhập" nếu Bạn là Thành Viên.

Chọn "Đăng Ký" nếu Bạn chưa là Thành Viên.

Nếu Bạn chỉ dạo chơi thôi thì chọn mục còn lại.

Chúc các bạn có những giây phút thoải mái và những bài học bổ ích với Diễn Đàn Lịch Sử!

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Chào mừng Thành viên thứ 110 -tuan khanh- tham gia vào Diễn Đàn của chúng ta!
 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Duc Toan (673)
trongnguyen (104)
nguyenlinh (90)
xuanhoa20 (36)
nth999 (34)
673 Số bài - 58%
104 Số bài - 9%
90 Số bài - 8%
62 Số bài - 5%
50 Số bài - 4%
42 Số bài - 4%
36 Số bài - 3%
35 Số bài - 3%
34 Số bài - 3%
34 Số bài - 3%

Share | 

 

 GÓP PHẦN TÌM HIỂU VỀ TƯ DUY QUÂN SỰ CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
GÓP PHẦN TÌM HIỂU VỀ TƯ DUY QUÂN SỰ CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ I_icon_minitime08.05.10 9:28

nguoihocsu
hs

Thành viên

nguoihocsu

Thành viên

Nam
Tổng số bài gửi : 2
Điểm Thi Lịch Sử : 7
Hệ Thống Chấm Điểm : 0
Ngày Tham Gia : 05/05/2010
Công Việc : sv
Sở Trường/ Sở Thích Sở Trường/ Sở Thích : hs

Bài gửiTiêu đề: GÓP PHẦN TÌM HIỂU VỀ TƯ DUY QUÂN SỰ CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

 


“Người làm việc nước đối với việc binh phải dự bị ngay từ lúc bình thời, không đợi đến lúc binh đao gần kề”

Nguyễn Trường Tộ, một con người của tư duy, mặc dù ông chỉ xuất thân trong một gia đình trí thức bình dân, nhưng vốn có tư chất thông minh lại ham học hỏi, ham hiểu biết vì mục tiêu tiến bộ cho đất nước, nên ông có một tư duy vượt lên trên tầm thời đại trên nhiều lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội, ngoại giao, triết học,… đặc biệt là tư duy về quân sự trong việc bảo vệ quốc gia dân tộc, chống ngoại xâm của đất nước.

Từ trước cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc, cuộc hội thảo khoa học về Nguyễn Trường Tộ với nhiều đánh giá, phát biểu ý kiến của các nhà sử học thật xác đáng, thật tâm huyết và sâu sắc. Vì vậy, đến với buổi tọa đàm hôm nay, với tư cách là một sinh viên ngành sử với những kiến thức nhỏ bé nhưng đầy tâm huyết của mình, tôi không dám đi sâu về mặt lý luận khi phân tích tư duy quân sự của Nguyễn Trường Tộ mà chỉ dựa trên việc tập hợp một số ý kiến và lập luận về ông, mong được đóng góp phần nào những hểu biết của bản thân cho buổi tọa đàm “Nguyễn Trường Tộ - quá khứ và hiện tại hôm nay”.

I. So sánh sự khó và dễ giữa văn và võ

Bởi vì ông đã thấy được tình hình đất nước thật nguy cấp, bọn xâm lược dòm ngó nước ta từ bốn phương đã tràn vào rồi. Nếu triều đình kịp thời chấn chỉnh thì vẫn cứu vãn được tình thế “Tế cấp bát điều” viết năm 1867. Ông đã kiến nghị cần phải “Cấp thời cải tu võ bị”.

Nguyễn Trường Tộ cho rằng “Việc võ bị thực là rất khó! Học khó, hành khó so với văn gấp mấy lần”. Do vậy, ông đã trình bày 10 cái khó trong công việc nhà binh.

A. Học lý thuyết.

1. Cái khó của học võ là học sách binh thư đồ trận, học xong phải đem ra thực hành, tập luyện cho thành thạo. Đầu óc phải sáng suốt, minh mẫn, mắt phải linh họat thì mới nắm vững nghệ thuật quân sự, không như phép làm văn, chữ nào thấy không hợp thì thay chữ khác vào.

2. Người học võ phải nắm vững lý thuyết để không ứng dụng sai, không như người học văn chương trau chuốt lời suông chuyện cũ, du di chữ nọ xọ chữ kia.

3. Khi học võ về mặt lý thuyết phải nắm vững địa hình, địa thế ở những nơi hiểm yếu, nơi trọng yếu chiến lược đồng thời phải được tập trận, thao luyện cho thành thục, không như những người học văn chỉ biết nghiên cứu trên sách vở.

4. Học võ phải biết quan sát đồn lũy, thành quách xem mặt nào có thể đánh được, hướng nào có thể tiến công, hướng nào có thể rút lui, và phải đuợc quan sát thực tế, ghi nhớ (như võ quan phương Tây làm như thế). Không như kẻ học văn chỉ biết làm thơ phú và chỉ biết thả hồn vào thế giới hư ảo, mông lung.

5. Ai học võ thì phải biết sử dụng các khí giới và cách chế tạo (người phương Tây cho điều này là rất quan trọng). Học cái này phải bỏ sức lực ra, phải suy lường tính tóan thì mới quen thạo. Không như văn chương, chỉ cần một cây bút, một tờ giấy nằm ngửa trên giường cũng ra thơ.

6. Học võ là học những tình thế xung phong hãm trận, vào sinh ra tử. Mặc dù hôm nay chưa có nhưng trước sau vẫn tới. Học như thế sẽ rèn luyện tinh thần binh sĩ dũng cảm, nhưng họ làm sao tránh khỏi lo buồn. Không như những người học văn chương thi đậu ra làm quan, thi hỏng cũng không mắc tội, chẳng suy nghĩ gì về sự nguy hiểm..




B. Cái khó trong luyện tập quân sự, Nguyễn Trường Tộ chỉ rõ: Nếu luận về thực hành càng khó hơn nữa.

1. Khi đi hành quân ai cũng phải vai đeo vác những vật nặng nề, lại phải đi tuần canh gác, ngày có việc ngày, đêm có việc đêm. Không lúc nào rãnh, người nào việc ấy rất mệt sức nhọc lòng. Không như văn, có việc thì làm, không việc thì thôi. Có việc nhưng tạm gác lại cũng đuợc, hay giảm bớt mà không làm cũng được. Chỉ vận dụng miệng lưỡi, trí óc cho dẫu có nhọc cũng chỉ nhọc tâm suy nghĩ mà thôi.

2. Khi ra trận thì tên đạn truớc mặt, gươm giáo sau lưng, tiến lên thì chết vào tay giặc, rút lui thì luật nước không cho. Được lệnh xuất quân thì quên gia đình và bản thân, phải giành lấy sự sống từng giờ từng phút. Không như văn chương: hoa rụng nơi cung đình, đàn cầm treo ngang giá sách, cứ theo giờ giấc mà giải quyết công việc, theo hòan cảnh mà xử lý, trưa ăn tối nghỉ. Có việc thì giải quyết không đầy một khắc, có việc thì kéo dài đến vài ba năm, dễ bề chạy vạy.

3. Bên võ thì bắc cầu đắp đường, dựng đồn lũy. Mọi công việc luôn luôn thay đổi, tùy theo tình hình quân địch mà đánh, tùy theo địa hình địa thế mà phục binh, không theo một phương thức có sẵn. Cho nên cái kì diệu của việc binh là không thể báo trước được. Còn bên văn thì có thuế mới thu, có kiện mới xử, có lệnh mới làm,… mọi việc cứ theo luật định.

4. Khi lâm trận bốn bề điều là kẻ địch, phải tranh giành sự sống với kẻ thù. Nếu sơ xuất thì tính mạng và công lao bay theo gió bụi. Chính vì thế người xưa đã bảo rằng “Kẻ làm tướng xem tấm thân như một cơn say”. Còn bên văn chương thì đi đâu cũng thấy tòan là con dân của mình, chính quyền của mình, sai bảo dễ dàng. Ban ngày thì đi chẳng e ngại, tối ngủ thì yên giấc suốt đêm. Dù có vì việc công mà mắc tội cũng được khoan hồng đâu đến nỗi tan thân nát nhà..

Trên đây là mười điều so sánh cái khó giữa văn và võ mà Nguyễn Trường Tộ đã thấy được và chỉ ra rằng “Văn ví như cái áo đẹp, võ không khác gì thức ăn tẩm bổ khí huyết. Người mà không khí huyết thì chết. Dẫu có áo đẹp mà không tu bổ khí huyết cũng là vô dụng”.

II. Kế họach xây dựng quốc phòng cho đất nước.

Với tầm hiểu biết của mình, Nguyễn Trường Tộ đã so sánh và phân tích những thuận lợi và khó khăn của công việc võ bị. Ông đã đề xuất những ý kiến chấn chỉnh võ bị, xây dựng một kế họach quân sự quốc phòng của một trí thức lỗi lạc với tầm nhìn chiến lược, biết nhìn xa trông rộng trong việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia là một điều có ý nghĩa hết sức quan trọng.

1. Công tác giáo dục kiến thức quân sự.

Nguyễn Truờng Tộ đã thấy được tình hình đất nước lúc bấy giờ “Nếu không gấp rút sửa đổi theo mới, khiến việc giáo dục võ bị ngày một suy, lòng người ngày một yếu thì lấy gì chống giặc bảo vệ nhân dân”. Vì thế ông đã đề nghị “cần nghiên cứu các võ thứ cổ và kim, sọan lại thành sách và ban bố cho quan quân cùng học tập”.

Ông đã xác định được rằng cần phải chấn chỉnh lại quốc phòng của đất nước để chống giặc, mà muốn chấn chỉnh được quốc phòng thì điều trước tiên là phải nghiên cứu và biên sọan lại sách để cung cấp kiến thức quân sự cho binh sĩ và võ quan. Theo ông thì “cần đem các sách binh thư xưa nay ra xét lại”.

Để phục vụ cho công tác giáo dục kiến thức quân sự, ông còn đề nghị mời những bậc có tên tuổi, những người có kinh nghiệm có kiến thức quân sự tham gia biên sọan sách binh thư, đồng thời bên cạnh đó, Nguyễn Trường Tộ còn đưa ra đề nghị mua các sách quân sự, binh pháp của phương Tây về dịch ra tham khảo phục vụ cho biên sọan sách và giảng dạy cho binh sĩ nước ta.

Ngoài ra Nguyễn Trường Tộ còn có sáng tạo trong việc nâng cao chất lựơng quân sự, quốc phòng của đất nước ta lúc bấy giờ đó là: đề nghị triều đình mời những chuyên gia quân sự giỏi ở nước ngoài về huấn luyện cho quân đội nước Việt Nam, để họ tiếp thu những tinh hoa quân sự phương Tây nói riêng cũng như của thế giới. Còn binh pháp của nước ta thì được huấn luyện riêng nơi khác để giữ gìn, bảo vệ bí mật nghệ thuật quân sự của dân tộc. Điều này cho thấy Nguyễn Trường Tộ là một con người hết lòng tận trung vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, luôn có ý thức dân tộc sâu sắc, luôn bảo vệ được bản sắc dân tộc, bảo vệ những gì được gọi là tinh hoa của dân tộc mà biểu hiện cụ thể là nghệ thuật quân sự quý báu của dân tộc được hình thành của lịch sử ngàn năm dựng nước và chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc qua các thời kì lịch sử đã được kết tinh lại trong những quyển sách binh pháp, đồng thời, bên cạnh đó ta còn thấy được ông còn là một tư duy tiến bộ, một con người ham hiểu biết, ham học hỏi những tinh hoa, tinh túy nhất của nhân loại để phục vụ cho sự phát triển, sự tồn vong của nước nhà.

2. Công tác huấn luyện binh sĩ và đào tạo cán bộ chỉ huy.

Ông đã có khỏang thời gian du học ở nước ngoài, đặc biệt ở Pháp tìm hiểu trên nhiều sách vở. Ông đã thấy rõ được cuộc sống cũng như trong chiến đấu thì binh lính nước ta lúc bấy giờ thua xa so với binh sĩ phương Tây. Vì thế ông đã đề nghị phải “nuôi quân thật tốt” cả về công tác huấn luyện, trang bị vũ khí, phải có sự đãi ngộ thật chu đáo về đời sống vật chất cũng như về đời sống tinh thần cho quân sĩ, có như vậy thì quân lính mới chiến đấu tốt mới có khả năng bảo vệ đất nước trước nạn ngoại xâm.

Về công tác huấn luyện: Ông đã đưa ra ý tưởng mời các chuyên gia quân sự của phương Tây về huấn luyện kỉ thuật tác chiến, chiến thuật, chiến lược cho binh lính nước ta. Ngoài ra theo ông thì binh lính thường xuyên tập luyện quân sự, không phải đợi đến khi có chiến sự xảy ra mới tập mà ngay cả trong thời bình cũng phải tiến hành thao luyện, tập trận để trao dồi kiến thức quân sự, kĩ năng chiến đấu và khả năng tác chiến của quân đội ngày càng hùng mạnh hơn, như ông đã viết trong di thảo số 50 bàn về việc chỉnh đốn quân đội và quốc phòng (gọi tắt là tu võ bị) “Binh lính có thể cả năm không dùng đến, nhưng không thể một ngày không tập luyện. Các quốc gia có tinh thần thượng võ lúc bình thời vẫn tuyển binh tập trận. Còn nước ta lúc bình thời tuyển binh để sai vặt”. Qua những nhận xét đó, Nguyễn Trường Tộ đã cho ta thấy đựơc phần nào đó về công tác huấn luyện quân sĩ thời Nguyễn lúc bấy giờ còn rất yếu kém và tồi tệ.

Về trang bị vũ khí chiến đấu: Nguyễn Trường Tộ kiến nghị cần phải chế tạo các loại vũ khí mới lạ và cần phải cất vào kho vũ khí để dùng khi có hữu sự. Các xưởng chế tạo vũ khí phải được giữ tuyệt mật và được bảo vệ nghiêm ngặt, nhằm bảo vệ được bí mật quân sự quốc gia. Bên cạnh đó, ông còn đưa ra kế họach vay tiền của những nhà buôn lớn để dùng vào việc mua sắm và sữa chữa vũ khí, tân trang lại binh khí cho quân sĩ, đồng thời ông còn hợp tác với những chuyên gia quân sự phương Tây về việc chế tạo vũ khí để nâng cao tay nghề cho thợ nước ta trong ngành quân giới. Qua đây cho ta thấy được tư tưởng tân tiến tự cường của Nguyễn Trường Tộ trong lĩnh vực quân sự nói riêng cũng như việc phòng thủ bảo vệ đất nước nói chung.

Về chế độ đối xử, đãi ngộ đối với quân lính:

Ông còn viết rằng “…phàm con người ta có tập tành nghề gì mới nuôi dưỡng tinh thần nghề nghiệp đó. Nay binh lính mà thường chẳng tập luyện thì làm sao nuôi dưỡng được dũng khí”.

Theo Nguyễn Trường Tộ thì không chỉ phải lo cho lính ăn no, lương thưởng đủ, mà còn phải có thái độ tôn trọng người lính “không nên bắt lính làm việc hầu hạ quan” “không có sự xỉ nhục, ngược đãi người lính”, đừng nên “Lúc bình thường ăn ở với nhau thì ban ơn bằng roi vọt, nuôi duỡng bằng khổ nhục, đến khi lâm trận thì bảo nhảy vào nước lửa để che chở bảo vệ cho chỉ huy”. Mà phải đối xử với người lính bằng “tình phụ tử” phải lo chu đáo về ăn uống, chỗ ở, cấp lương bổng đầy đủ và ban thưởng hậu hỉ cho tráng binh đối với thương phế binh phải cấp dưỡng chu đáo được hưởng lương suốt đời như lúc chưa tàn phế. Phải có chính sách tử sĩ thật tốt cho những người thân của binh lính đã hi sinh vì đất nước, đối với quân lính thì không chỉ đối xử bằng quân lệnh mà phải có tình có nghĩa với họ, phải chia ngọt sẽ bùi, đối xử gắn bó keo sơn. Có như vậy thì tinh thần binh sĩ trước khi hành quân mới “hăng hái nhảy nhót, reo hò như sắp được đến nơi sung sướng”. Có như vậy thì họ mới hết lòng xả thân vì nghĩa lớn để đền đáp nợ nước. Quả là nguyễn Trường Tộ có một tư duy vượt trước thời đại, có cách đối nhân xử thế thật tuyệt vời để khỏi phụ lòng người phục vụ vì tổ quốc hiếm có ai đương thời nhận ra điều này.

Về số lượng binh sĩ: Ông đã xin triều đình “hãy sữa đổi dần dần, chọn lấy tráng binh tuổi từ 20 trở lên chưa có gia đình. Ngoài ra phải thải bớt người lính già yếu. Bớt đi một nửa số lính, lấy số lương cấp gấp đổi cho số chiến binh còn lại” và “binh lính chính quy thì suốt ngày chỉ chuyên lo luyện tập quân sự để ra trận tác chiến”.

Theo Nguyễn Trường Tộ thì quân lính cốt tinh nhuệ chứ không cốt đông số lượng có như vậy thì chất lượng quân sự mới tốt.

Về lương thực cho quân lính: ông đưa ra kế hoạch bán gạo cũ nhân lúc giá gạo cao và mua vào gạo mới lúc giá gạo rẽ như vậy sẽ tiết kiệm được tài chính quốc gia mà quân lính có gạo ăn no mà ngon.

b. Đào tạo cán bộ chỉ huy.

“Binh lính quý ở dũng cảm, sĩ quan quý ở mưu cơ. Sĩ quan như mắt, binh lính như tay chân. Chưa có chuyện mắt mù mà sai khiến được tay chân bao giờ”. Đó là lời nhận xét của Nguyễn Trường Tộ trong bản điều Trần Tu võ bị viết năm 1871. Ông đã nhận thấy được rằng để xây dựng được nền quân sự thì người lính là nền tảng của quân đội, nhưng sĩ quan tướng tá mới là trụ cột của lực lượng vũ trang. Cho nên cần có chính sách đào tạo và coi trọng võ quan chỉ huy. Trong bản điều trần, ông đề nghị cần phải nâng cao trình độ học vấn của sĩ quan chỉ huy, khuyên triều đình nên mời những võ quan phương Tây giỏi để dạy cho võ quan nước ta. Ông còn đề nghị phải thường kì khảo hạch, kiểm tra các võ quan về kiến thức quân sự để nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng võ bị, khả năng lãnh đạo. chỉ huy quân đội, cũng như mưu cơ sách lược của người chỉ huy.

Trong vấn đề giáo dục người chỉ huy trong quân đội. Nguyễn Truờng Tộ yêu cầu phải làm sao cho Tướng và lính gắn bó với nhau keo sơn chẳng khác gì “tình phụ tử” trong tình cảm cũng như trong họat động, trong thời chiến cũng như trong thời bình. Trong công việc huấn luyện binh sĩ thì người làm tướng phải nghiêm quân lệnh, phải có kỉ luật bản thân phải có đạo đức, tác phong chỉnh tề của người làm tướng, có như vậy lính mới kính phục. Trong tình cảm thì người làm tướng phải quan tâm chia sẽ ngọt bùi. Thấu hiểu binh sĩ dưới quyền, biết chăm sóc, gần gũi, không xa cách, đối xử công bằng bằng tình phụ tử, bằng ân đức với binh lính, có như vậy thì lính và tướng mới gắn bó với nhau nơi sinh tử. Trong chiến trận thì người làm tướng là người đi tiên phong nơi đầu mũi đạn, liều chết cho quân sĩ nhưng phải biết ra oai, mệnh lệnh phải cứng gắn tựa như núi Thái Sơn có như vầy thì binh lính mới một lòng quyết tử.

Đối với sĩ quan, Nguyễn Trường Tộ còn đề nghị phải có chính sách, thưởng phạt thật công bằng, hậu hỉ, đãi ngộ thật xứng đáng với họ có công thì thăng chức, thưởng bổng lộc, còn có tội thì cho họ lập công chuộc tội, đừng nên giáng chức, hạ lương mà chỉ không thăng cấp thôi “bởi cái công ngày trước là đổi bằng sinh mạng thì vẫn còn”. Có trọng đãi với võ quan chỉ huy như vậy thì….cột quân sự nước nhà mới vững, đất nước mới yên.

3. Xây dựng thế trận phòng thủ.

a. Xây dựng đồn lũy

Nguyễn Trường Tộ yêu cầu cần phải lần lượt xem các địa hình để xây đồn đắp lũy ở những nơi trọng yếu: Từ kinh thành Huế trở ra Bắc đến Quãng Yên, cần nghiên cứu kĩ để xây dựng đồn lũy. Ở hai bên cửa biển cần phải gia cố lại và chất thêm nhiều đá để dùng khi hữu sự. Còn những đồn lũy mới xây ông đề nghị cần phải tăng cường quân canh gác cẩn mật và điều đặc biệt là cần phải trồng nhiều cây cối tròn và ngoài đồn. Bên cạnh đó, ông còn nghĩ đến khả năng quân Pháp có thể đánh chiếm kinh thành nên ông đề nghị cần chọn nơi hiểm yếu để xây dựng một thành lớn hơn, chắc chắn hơn để dự phòng khi kinh thành Huế thất thủ.

b. Mở rộng các tuyến giao thông

Trong Tế cấp bát điều, Nguyễn Trường Tộ đề cấp đến vấn đề phải xẻ nhiều kênh gạch dọc ngang trong thành để dẫn chất thải ra ngoài đồng thời cũng hợp lý thế quân sự. Đồng thời nên khai thông các tuyến đường thủy từ Hà Tĩnh đến kinh đô. Qua đó, cho ta thấy Nguyễn Trường Tộ là con người có đầu óc quân sự, ông đã suy nghĩ một khi chiến sự lan ra toàn quốc thì cần phải vận chuyển lương thực, vũ khí, điều động binh nên cần phải mở rộng các tuyến giao thông thủy bộ để phục vụ cho chiến tranh.

c. Dùng người trong vùng địch chiếm đóng.

Trong Tu võ bị, Nguyễn Trường Tộ đề nghị nên chú ý việc trọng dụng và đãi ngộ các quan lại cũng như gia đình của họ ở vùng lục tỉnh Nam Kì. Nơi đã bị Pháp chiếm đóng, để có thể dùng họ vào những việc sau này và để củng cố lòng trung thành của họ với quốc gia. Bởi theo tư tưởng phong kiến thì người ta rất quan tâm đến lí lịch gia đình, dễ hoài nghi những người có gia quyến, họ hàng trong vùng địch chiếm đóng.

III. Những hạn chế trong tư duy quân sự của Nguyễn Trường Tộ

Toàn bộ tư duy quân sự của Nguyễn Trường Tộ quả là một đóng góp lớn, như một ngôi sao sáng trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX, là một bước phát triển trong tư tưởng quân sự Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể coi đó là một tư duy quân sự toàn diện và sâu sắc, vì do những hạn chế khách quan của thời đại chưa cho phép Nguyễn Trường Tộ có được một quan điểm sâu sắc hơn về chiến tranh nhân dân. Cho nên trong hệ thống tư duy của ông đã cho thấy hình ảnh và vai trò của người nông dân rất mờ nhạt và hầu như là không có. Ông chỉ xem việc bảo vệ đất nước là dựa vào vũ khí, sức mạnh của “sắt thép” khả nảng vững chắc của thành lũy chứ ông chưa thấy được sức mạnh vô địch là ở nơi nhân dân, ông chưa thấy được “bức tường thép” thành lũy vững chắc là nhân dân, dân tộc Việt Nam. Ông chưa thấy được vũ khí lợi hại nhất để đánh đuổi giặc ngoại xâm là sức mạnh của quần chúng nhân dân. Những điều bất cập này chỉ đến thời đại Hồ Chí minh mới được nhận ra và bổ sung hoàn chỉnh.

Tựu chung lại, ông chưa hiểu sâu vấn đề dân là gốc chứ không phải vua quan là gốc của nước, ông chưa thấy được cuộc đấu tranh chống ngoại xâm là của nhân dân, cần phải biết dựa vào dân mà chiến đấu. Khách quan mà nói, thì những điều bất cập và hạn chế của Nguyễn Trường Tộ là gắn liền với thời thế những hạn chế trong tư duy của ông cũng là những hạn chế của thời đại lúc bấy giờ, bởi ông cũng là sản phẩm của xã hội phong kiến Việt nam nửa cuối thế kỉ XIX. Mặc dù vậy, tư duy cách tân về quân sự của ông đã hình thành được một luồng ánh sáng chiếu rọi vào đám sương mù u mê của triều đình phong kiến đương thời, tuy chưa làm tan được đám sương mù dày đặc kia nhưng đã soi rói vào trí tuệ người đời, soi chiếu vào trí tuệ chúng ta hôm nay cần phải củng cố và phát triển về quân sự, quốc phòng nước ta ngày càng vững mạnh, đủ sức chống chọi với các thế lực ngoại xâm, đủ sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia và chủ quyền độc lập của dân tộc.

KẾT LUẬN.

Trong xã hội thì không ai là mười phần trọn vẹn cả mười được đâu “nhân vô thập toàn”. Tuy không được thập toàn nhưng một con người đã để lại dấu ấn trong lịch sử, được coi là nhân vật lịch sử thì con người đó phải có những tài năng và suy nghĩ vượt trội hơn người đương thời. Và với Nguyễn Trường Tộ cũng thế, tuy trong tư duy của ông còn nhiều hạn chế do những hạn chế khách quan của thời đại đã ảnh hưởng đến tư duy của Nguyễn Trường Tộ. Nhưng Nguyễn Trường tộ đã để lại cho đời những đấu ấn trí tuệ hơn người, có thể nói ông là người vượt trước thời đại. Với lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam, ông đã lên tiếng phản đối việc trọng văn khinh võ, chủ trương xây dựng binh thư binh pháp Việt Nam theo hướng tham khảo binh pháp kim cổ, đông, tây, tiến lên hiện đại hóa và trước mắt phải xây dựng quốc thế về quân sự để kịp thời đối phó vơi quân thù.

Nói tóm lại, Nguyễn Trường Tộ đã mang lại một tư duy quân sự tiến bộ, vượt thời đại so với đương thời nhằm cứu nguy cho đất nước, củng cố và chấn chỉnh nền quốc phòng kịp thời ứng phó với quân xâm lược đồng thời cũng góp phần viết thêm những bài học quý báu, những đóng góp đáng trân trọng cho nghệ thật quân sự Việt Nam.
TG: Bùi Hoàng Tân

 

GÓP PHẦN TÌM HIỂU VỀ TƯ DUY QUÂN SỰ CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: LỊCH SỬ VIỆT NAM :: Lịch Sử Việt Nam Cận Đại-
Copyright ©2010 - 2012
Design by by Nguyen Duc Toan
Bản quyền by Nguyen Duc Toan
Nickname: nguyenductoan201188.
RSS RSS 2.0 XML MAP
Powered by phpBB Version 2.0 Lisenced
Copyright ©2010 - 2013
Lưu ý:Xem diễn đàn tốt nhất ở độ phân giải 1024x768 và sử dụng Fire Fox 3


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất