CHÀO MỪNG BẠN!

Vui lòng chọn "Đăng Nhập" nếu Bạn là Thành Viên.

Chọn "Đăng Ký" nếu Bạn chưa là Thành Viên.

Nếu Bạn chỉ dạo chơi thôi thì chọn mục còn lại.

Chúc các bạn có những giây phút thoải mái và những bài học bổ ích với Diễn Đàn Lịch Sử!

CHÀO MỪNG BẠN!

Vui lòng chọn "Đăng Nhập" nếu Bạn là Thành Viên.

Chọn "Đăng Ký" nếu Bạn chưa là Thành Viên.

Nếu Bạn chỉ dạo chơi thôi thì chọn mục còn lại.

Chúc các bạn có những giây phút thoải mái và những bài học bổ ích với Diễn Đàn Lịch Sử!

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Chào mừng Thành viên thứ 110 -tuan khanh- tham gia vào Diễn Đàn của chúng ta!
 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Duc Toan (673)
trongnguyen (104)
nguyenlinh (90)
xuanhoa20 (36)
nth999 (34)
673 Số bài - 58%
104 Số bài - 9%
90 Số bài - 8%
62 Số bài - 5%
50 Số bài - 4%
42 Số bài - 4%
36 Số bài - 3%
35 Số bài - 3%
34 Số bài - 3%
34 Số bài - 3%

Share | 

 

 Trận đấu xe tăng vĩ đại nhất trong lịch sử

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Trận đấu xe tăng vĩ đại nhất trong lịch sử I_icon_minitime05.10.10 7:52

6086369
nghien cuu

Thành viên

6086369

Thành viên

Nam
Tổng số bài gửi : 33
Điểm Thi Lịch Sử : 114
Hệ Thống Chấm Điểm : 4
Ngày Tham Gia : 25/05/2010
Công Việc : sinh vien
Sở Trường/ Sở Thích Sở Trường/ Sở Thích : nghien cuu

Bài gửiTiêu đề: Trận đấu xe tăng vĩ đại nhất trong lịch sử

 
Trận đấu xe tăng vĩ đại nhất trong lịch sử

--------------------------------------------------------------------------------

Trong mùa đông và mùa xuân năm 1943, sau thất bại nặng nề ở Xta-lin-grát, với những thiệt hại không thể bù đắp nổi nhất là thế chủ động chiến lược đang bị mất dần, Hít-le và bộ chỉ huy của hắn đang cố tìm câu trả lời cho câu hỏi: phải làm gì để có thể đảo ngược tình thế?



Tháng Ba năm 1943, phát-xít Đức có trên mặt trận Xô - Đức 204 sư đoàn trong tổng số 298 sư đoàn. Điều đáng nói ở đây là, Bộ chỉ huy Hít-le đã phải đưa vào lục quân một số lượng đáng kể các sư đoàn không quân dã chiến, sư đoàn cảnh giới, sư đoàn dự bị và các sư đoàn “ngoại quốc” (68), mà sức chiến đấu đã sút kém rõ rệt. Tinh thần chiến đấu và trình độ huấn luyện của ngay cả các binh đoàn xe tăng cũng giảm sút. Trong bản báo cáo ngày 9 tháng Ba năm 1943, Thượng tướng Đức Gu-đe-ri-an, chuyên gia quân sự kinh nghiệm hàng đầu của Đức, thanh tra các lực lượng xe tăng Đức đã viết: “Tiếc rằng hiện giờ, chúng ta không còn một sư đoàn nào có đầy đủ sức chiến đấu”.


Tình hình không chỉ tồi ở mặt trận. Trong khi công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã có những cố gắng phi thường trong sản xuất vũ khí cho chiến trường, nhất là xe tăng thì Hít-le cũng thúc giục các công trình sư, các nhà công nghiệp Đức tìm mọi cách trong thời hạn nhanh nhất chế tạo ra một loại vũ khí mới có thể làm xoay chuyển cục diện chiến trường Xô - Đức: các loại xe tăng hạng nặng Con báo và Con cọp, dù chưa thực sự hoàn thiện về thiết kế, bị thúc dục gấp rút sản xuất. Chính việc này đã làm giảm đi trông thấy sản lượng xe tăng của công nghiệp chiến tranh Đức. Thượng tướng Đức Gu-đe-ri-an viết tiếp: “Với những kế hoạch phát triển những loại xe tăng mới này, đã làm giảm đáng kể sản lượng xe tăng “Con báo IV” của ta, loại xe tăng Đức duy nhất thực sự hiệu quả cho đến nay ”. Trước khi diễn ra trận chiến Cuốc-xcơ một thời gian ngắn, Gu-đê-ri-an lại nói thêm về lính lái xe tăng Đức trên những chiếc xe tăng hạng nặng kiểu mới: “Họ vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho chiến đấu”. Vào đầu năm 1943, Bộ chỉ huy Đức đã từng quyết định ngừng hẳn việc sản xuất Con báo IV để chuyển sang sản xuất 25 chiếc hạng nặng “Con Cọp” trong một tháng, nhưng sau đó việc Hít-le giao cho Gu-đe-ri-an quyền điều khiển công nghiệp xe tăng đã dừng ngay lập tức ý kiến đó.





Kế hoạch của Bộ chỉ huy Đức



Những cuộc tranh cãi trong Bộ chỉ huy Đức diễn ra giữa hai phe, về việc quân Đức phải làm gì trong mùa hè năm 1943:



· Những người thực tế, trong đó có Gu-đê-ri-an và Man-sten, những chỉ huy có kinh nghiệm nhất của phát-xít Đức, và một số tướng lĩnh khác của Đức, cho rằng để có thể lấy lại được ưu thế trước đây, trong hoàn cảnh những cải thiện đáng kể tình hình của quân đội Liên Xô, chỉ có thể triệt để khai thác những ưu điểm của chỉ huy và binh lính Đức trong phòng ngự vận động, trong chiến thuật chỉ huy và chiến đấu; duy trì thế phòng ngự bằng hàng loạt những trận đánh nhỏ và trung bình, để dần dần làm suy yếu quân đội Liên Xô và tìm thời cơ đánh lớn để tìm lại thế chủ động chiến lược. Cốt lõi của chiến lược này là làm suy yếu một cách quyết định sức mạnh của cuộc tiến công của Hồng quân mà Bộ tư lệnh Đức dự đoán là sẽ vào khoảng mùa hè năm 1943, sau đó sẽ triển khai tấn công, giành thắng lợi và lấy lại thế tấn công chủ động chiến lược.



· Nhóm những người lạc quan, cầm đầu là Tướng Zeitzler, tổng tham mưu trưởng quân đội Đức, cho rằng đồng ý là phải làm suy yếu toàn diện sức mạnh của quân đội Liên Xô như trên, ngoài ra hoàn toàn có thể tổ chức một chiến dịch chủ động tấn công lớn: trên hướng thành phố Cuốc-xcơ tập trung một lực lượng lớn nhiều xe tăng và chủ lực bộ đội Liên Xô đóng trên mỏm đất nhô về phía Đức. Thành phố này nằm ở điểm giữa Mát-xcơ-va và Biển Đen, nếu chiếm được thì sẽ tạo có được một bàn đạp tốt cho phép lại tiếp tục tấn công vu hồi Mát-xcơ-va từ phía nam. Điểm chốt của chiến dịch là tổ chức những cuộc tấn công lớn bằng xe tăng với chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng kinh điển của quân đội Đức (Blitzkrieg), theo hai hướng Bắc và Nam vào hai bên sườn của mỏm đất nhô, cho phép chia cắt bao vây và tiêu diệt một bộ phận lớn quân đội Xô-viết ở đây. Chiến dịch được đặt tên mật là “Xi-ta-đen” (Thành trì).



Khi Hít-le thảo luận cùng với Bộ chỉ huy tối cao của hắn vào ngày 4 tháng Năm năm 1943, đúng hai tháng trước cuộc tấn công, thì có hai vấn đề lớn “nổi lên”:



Vấn đề lớn thứ nhất trong kế hoạch của Zeitzler, là theo kết quả trinh sát bằng máy bay, các bức không ảnh cho thấy tại khu vực này quân đội Liên Xô đã xây dựng một hệ thống phòng ngự nhiều tầng, sâu và trong tung thâm còn có rất nhiều xe tăng, có thể tập kích phản xung phong vào các mũi tấn công của xe tăng Đức bất cứ lúc nào. Trong trường hợp xe tăng Đức không chọc thủng được trận địa phòng ngự của đối phương và bị thiệt hại với số lượng lớn, thì thất bại của chiến dịch là khó tránh khỏi, như lo ngại của Gu-đê-ri-an.



Còn trong kế hoạch chiến lược của Gu-đê-ri-an, thì thiếu tính kiên quyết và mãnh liệt cần thiết để có thể thuyết phục được Hít-le.



Trong giai đoạn này, bản thân tinh thần của Hít-le cũng “dao động”, hắn cần những kế hoạch phi thực tế để tự huyền hoặc mình và của một số tướng lĩnh trong Bộ chỉ huy tối cao Đức. Chính vì thế, cuối cùng Hít-le đã lựa chọn phương án tiến hành chiến dịch “Thành trì”, nhưng để bớt những lo lắng trên, kế hoạch được thêm vào đó là chương trình gấp rút sản xuất số lượng lớn những xe tăng hạng nặng kiểu mới “Con cọp”, “Con báo”. Chiến dịch được hoãn lại, mà sau này mọi người đều biết là hoãn hẳn hai tháng.



Ngày 13 tháng Ba, Bộ chỉ huy lục quân Đức đã ra bản mệnh lệnh tác chiến chiến do Hít-le ký, trong đó đề ra các chỉ thị về các hành động chiến đấu ở mặt trận phía Đông vào những tháng tới. Trong lệnh đó, có đề ra nhiệm vụ là sau khi kết thúc thời kỳ lầy lội của mùa xuân, chủ động tiến công các đơn vị bộ đội Liên Xô trước trên một số mặt trận, và nhờ đó bắt Hồng quân phải theo ý muốn của mình. Theo mệnh lệnh đó, Tập đoàn quân “Nam” dưới sự chỉ huy của Man-sten có nhiệm vụ vào giữa tháng Tư, hình thành một cánh quân xe tăng mạnh ở phía bắc Khác-cốp, còn cụm Tập đoàn quân “Trung tâm” do Cơ-luy-gơ chỉ huy, có nhiệm vụ tập trung một cánh quân xung kích ở phía Nam Ô-ri-ôn. Cả hai cánh quân đó phải từ hai phía đánh lại theo hướng chung đến Cuốc-xcơ để bao vây và tiêu diệt bộ đội Liên Xô đóng trong vòng cung Cuốc-xcơ.



Trong mệnh lệnh tác chiến số 6 do Hít-le ký ngày 15 tháng Tư năm 1942 có đoạn:



“Tôi đã quyết định, hễ điều kiện thời tiết cho phép, tiến hành cuộc tấn công “Thành trì”, cuộc tiến công đầu tiên trong năm nay. Cuộc tiến công này có một ý nghĩa quyết định. Cần phải giành được thắng lợi nhanh chóng và hoàn toàn. Cuộc tiến công này phải đem lại quyền chủ động cho chúng ta trong mùa xuân và mùa hè năm nay… Mỗi một cán bộ chỉ huy, mỗi một binh sỹ đều phải thấy triệt để ý nghĩa quyết định của cuộc tấn công này ”.


Để thực hiện kế hoạch, vấn đề cơ bản của Bộ chỉ huy Đức là bù đắp những tổn thất về người và khí tài để thành lập những cánh quân mạnh đủ sức để tấn công. Một cuộc tổng động viên được đẩy mạnh từ giữa tháng Giêng năm 1943, thậm chí cả những “ông già” 50 tuổi cũng bị gọi vào quân đội. Vào mùa hè năm 1943, quân số quân đội Đức tại mặt trận phía đông đã là 4,8 triệu quân, chiếm 71% quân tác chiến của quân đội Đức. Ngoài ra, quân đội các nước chư hầu của phát-xít Đức cũng có 525.000 quân. Trên mặt trận Xô - Đức lúc này phía Đức có 232 sư đoàn, trên 54.000 pháo và súng cối, trên 5.800 xe tăng và pháo tấn công, gần 3000 máy bay và 277 tàu chiến. Như vậy so với mùa thu năm 1942, là thời điểm trước trận Xta-lin-grát, thì quân đội Đức vẫn chưa đạt được mức cao nhất đó, mặc dù những binh đoàn lớn đã được rút từ phía tây và chiến trường bắc Phi (Mặt trận thứ hai vẫn chưa được mở). Bộ chỉ huy tối cao Đức đặc biệt chú trọng phục hồi sức mạnh của lực lượng tăng - thiết giáp – cơ giới khét tiếng trên chiến trường châu Âu bởi chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh đã bị què quặt nhiều trên chiến trường nước Nga. Năm 1943, sản lượng xe tăng của những Đức phát-xít đã tăng gấp đôi so với năm 1942, quân đội Đức đang được cấp tốc trang bị các loại hạng nặng “Cọp”, ”Báo”, pháo tự hành tiến công “Phéc-đi-năng” mới. Đồng thời, “Lúp-oa-phơ” (lực lượng không quân Quốc xã) cũng nhận được từ nền công nghiệp chiến tranh các loại máy bay chiến đấu mới: “Phốc-cơ Un-phơ 190A” và “Hen-ken 129”.



Đặc điểm của Chiến dịch “Thành trì” là việc sử dụng ồ ạt các phương tiện kỹ thuật mới. Bộ chỉ huy Đức đã điều động những binh đoàn thiện chiến nhất: 50 sư đoàn tinh nhuệ, trong đó có 16 sư đoàn xe tăng và mô-tơ hoá, tập trung thành những cánh quân xung kích mạnh ở phía Bắc và Nam của mỏm đất nhô Cuốc-xcơ. Lực lượng trên hướng Cuốc-xcơ của Đức được tập trung so với tổng số lực lượng trên mặt trận Xô - Đức chiếm tới hơn 17% số sư đoàn bộ binh, gần 70% sư đoàn xe tăng và 30% số sư đoàn mô-tơ hoá. Số quân của Đức ở đây là vào khoảng 900.000 quân, 10.000 pháo và súng cối, 2.700 xe tăng ; tất cả được tập trung trên một khu vực 600 km, chiếm 14% tổng chiều dài mặt trận. Về không quân, bộ chỉ huy Đức có ở đây trên 2000 máy bay, chiếm 60% tổng số máy bay trên mặt trận phía đông. Trong các sư đoàn xe tăng Đức ở đây, có các sư đoàn đáng chú ý: “Đại Đức”, sư đoàn xe tăng SS Leibstandarte cận vệ riêng của Hít-le mang tên “A-đôn-phơ Hít-le”, sư đoàn xe tăng SS “Đầu lâu”, và Sư đoàn xe tăng “Đế chế”.



Tập trung nhiều lực lượng mạnh, lại tấn công vào mùa hè, nên Hít-le và Bộ chỉ huy Đức hết sức tự tin vào thắng lợi, hy vọng kế hoạch “Xi-ta-đen” sẽ là một trận “Xta-lin-grát Đức”!





Kế hoạch của Bộ tư lệnh tối cao Xô-viết


Nhờ có những hoạt động hữu hiệu của mạng lưới tình báo chiến lược và chiến dịch, như lưới tình báo “Lucy” hoạt động trong cơ quan đầu não Quốc xã tại Thụy Sỹ, Bộ tư lệnh tối cao Xô-viết đã biết và chủ động chuẩn bị cho kế hoạch phản công làm thất bại chiến dịch “Thành trì” của phát-xít Đức. Họ đã nhận được bản kế hoạch chi tiết và thậm chí tình báo quân sự Xô-viết còn tiến hành kiểm tra được tính xác thực của tài liệu. Thậm chí, một trong những chiếc xe tăng “cọp” mới nhất khi di chuyển từ Bắc Phi đến Nga, còn chưa được sơn lại từ màu cát sang màu ngụy trang mới, đã bị bắt sống để nghiên cứu. Kết quả là một loạt những cải tiến pháo chống tăng và pháo tự hành chống tăng đã được tiến hành… Sản xuất xe tăng được đẩy mạnh ngay trong nửa đầu năm 1943. Đồng thời là những nỗ lực to lớn của nền công nghiệp sản xuất và ngành hậu cần Hồng quân để tích luỹ đạn dược, nhiên liệu cho chiến dịch.



Mục tiêu của chiến cuộc mùa hè năm 1943 của Bộ tư lệnh tối cao Xô-viết không chỉ là làm thất bại chiến dịch “Thành trì” của Đức, mà còn là nhân việc đánh tan một lực lượng lớn của Đức, giành thế chủ động tiến công trên tất cả các mặt trận, mà trước hết là tiêu diệt các Cụm Tập đoàn quân “Trung tâm” và “Nam” của Đức, giải phóng vùng tả ngạn U-crai-na với cơ sở than đá và luyện kim ở Đôn-bát, các vùng Đông Bê-la-rút-xi-a, đẩy quân Đức về bên kia tuyến sông Xô-giơ, trung lưu và hạ lưu sông Đnépr.



Hồng quân chuẩn bị tám tuyến phòng ngự liên tiếp, nhiều tầng theo chiều sâu, và trong tung thâm là các đơn vị xe tăng cơ động mạnh để trong trường hợp xấu nhất, quân Đức chọc thủng được phòng tuyến vẫn có thể phản kích vào các mũi tấn công đó.



Kế hoạch của Bộ chỉ huy Xô-viết là rất đơn giản. Đối mặt với các mũi tấn công của phát-xít Đức tổ chức nhiều tuyến phòng ngự nhiều tầng liên hoàn, trong các công sự được xây dựng kiên cố, trang bị những vũ khí chống tăng mạnh. Sau khi đánh tê liệt các binh đoàn phát-xít đã bị mệt mỏi thì các binh đoàn xe tăng Xô-viết lớn sẽ được tung vào trận để phản kích đem lại bước ngoặt cho trận đánh. Một đặc điểm nữa của trận Cuốc-xcơ, là lần đầu tiên trong lịch sử quân sự, Hồng quân sẽ tiến hành một trận đánh phản chuẩn bị cực lớn. Chúng ta sẽ đề cập tới trận phản chuẩn bị này sau.



Phải nói rằng, thời gian ngừng bắn trong hai tháng đã được cả hai bên tận dụng triệt để để thực hiện mục tiêu của mình. Về phía Hồng quân, các Phương diện quân đã được chỉ thị lợi dụng thời gian ngừng bắn để củng cố các vị trí chiếm giữ, luyện tập về phòng ngự chống tăng… Đối với quân đội Xô-viết, bây giờ không còn là năm 1941 người chiến sỹ phải mang cả chai xăng (cocktail Mô-lô-tốp) hay lựu đạn chống tăng để lao vào xích xe tăng nữa…



Lực lượng của quân đội Xô-viết trong vùng mỏm đất nhô Cuốc-xcơ gồm chủ yếu hai Phương diện quân: Phương diện quân Trung ương của K.K. Rô-cô-xốp-xki (phía Bắc) và Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ của N.Ph.Va-tu-tin (phía Nam). Đến tháng Tư, theo đề nghị của Bộ tổng tham mưu Xô-viết, Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao đã tiến hành bổ sung thêm cho các hướng Ô-ri-ôn, Cuốc-xcơ, Khác-cốp, Đôn-bát. Ngoài ra Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao còn thành lập thêm một Phương diện quân Dự bị mạnh: Phương diện quân Xtép. Cần ghi nhận những nỗ lực phi thường của lực lượng hậu cần Hồng quân, đã làm hết sức mình để chuẩn bị cho các đơn vị chiến đấu một lượng lớn đạn dược, vũ khí, nhu yếu phẩm khổng lồ. Cũng phải thừa nhận trình độ nghi binh, đánh lừa quân Đức của Hồng quân trong việc giấu kín ý đồ chiến dịch, chuẩn bị một trận địa tầm cỡ như vậy cũng như tập trung những lực lượng dự bị lớn và mạnh mà Bộ tư lệnh Đức không mảy may nghi ngờ về việc kế hoạch của họ đã bị lộ hoàn toàn ngay từ đầu.



Bên trong Bộ tư lệnh tối cao Xô-viết cũng có các đắn đo giữa hai chiều ý kiến. Một số ý kiến cho rằng, nên chủ động tấn công vào quân Đức đang chưa kịp chuẩn bị, ví dụ như ý kiến của K.K. Rô-cô-xốp-xki (Tư lệnh Phương diện quân Trung ương) cho rằng nên tấn công dùng lực lượng hợp nhất của các Phương diện quân Tây và Bri-an-xcơ để tấn công tiêu diệt cánh quân Đức ở Ô-ri-ôn khi chúng chưa sẵn sàng tấn công. N.Ph. Va-tu-tin (Tư lệnh Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ) đề nghị Tổng tư lệnh tối cao mở trận tiến công phủ đầu vào cụm quân địch ở Ben-gô-rốt và Khác-cốp. N.X. Khơ-rút-xốp, ủy viên Hội đồng quân sự Phương diện quân cũng ủng hộ hoàn toàn đề nghị đó. Còn những người khác như G.K. Giu-cốp, A.M.Va-xi-lép-xki, A.I. An-tô-nốp và các cán bộ khác của Bộ Tổng tham mưu thì thống nhất quan điểm chuẩn bị cho một thế trận phòng ngự chủ động và tích cực, sau khi đánh tiêu hao và làm mệt mỏi các binh đoàn xe tăng của Đức sẽ tiến hành phản công. Trước khi quân Đức tấn công sẽ tiến hành một đòn đánh phản chuẩn bị bằng tất cả pháo binh và không quân của các Phương diện quân, có hỗ trợ thêm bằng lực lượng Dự bị của Đại bản doanh. Thời điểm và vị trí các mục tiêu để đánh đòn phản chuẩn bị sẽ căn cứ vào kết quả trinh sát mặt đất và trên không, kết hợp với các tin tức quân báo và tình báo thu thập được. Tổng tư lệnh tối cao Xta-lin lúc đầu cũng do dự vì lo các đơn vị Xô-viết không chống được đòn xung kích của kẻ địch (và cũng chưa tin rằng nếu tấn công trước thì liệu các đơn vị Xô-viết có tiêu diệt được quân địch hay không), nhưng sự tự tin của các tướng lĩnh Xô-viết vào khả năng tác chiến của Hồng quân đã thuyết phục được Ông…



“Chuyển bộ đội ta sang tiến công trong những ngày sắp tới nhằm đi trước quân địch, theo tôi là không có lợi. Tốt hơn là chúng ta làm mệt mỏi và tiêu hao địch trên tuyến phòng ngự của ta, tiêu diệt các xe tăng của chúng rồi sau đó, khi đưa thêm lực lượng bổ sung dự bị sung sức vào, chúng ta sẽ chuyển sang tổng tiến công để đập tan hoàn toàn cánh quân chủ yếu của địch ” (G.K. Giu-cốp - Nhớ lại và Suy nghĩ).



Chuẩn bị cho việc tiếp đón các đợt tấn công của quân Đức, Hồng quân đã chuẩn bị một thế trận phòng ngự chống tăng khổng lồ, chưa từng thấy, trên một chiều sâu mặt trận từ 200 đến 300 km. Tổng số quân của Hồng quân trong khu vực cung sông Cuốc-xcơ là vào khoảng 1,3 triệu người với 3.600 chiếc xe tăng, 20.000 khẩu pháo, trong đó có tới 6.000 khẩu pháo chống tăng 76mm loại mới. Riêng trên khu vực này Bộ chỉ huy Xô-viết có 2.400 máy bay chiến đấu. Như vậy là ở đây tập trung tới 1/5 quân số bộ binh Hồng quân, 1/3 số xe tăng và ¼ tổng số máy bay. Các đơn vị đã đặt một số lượng mìn dày đặc, mật độ lên đến 3.400 quả trên một km chính diện mặt trận, một nửa là mìn chống tăng và một nửa là mìn chống bộ binh. Hơn 300.000 dân công ngày đêm đào được hàng ngàn km hào chống tăng, đặt các cự mã cản xe tăng. Các đơn vị pháo chống tăng Xô-viết được tổ chức theo đội cứ 10 khẩu pháo một đội dưới sự chỉ huy của một người, xác định mỗi lần ngắm bắn chỉ bắn vào một mục tiêu! Trình độ ngụy trang của các đơn vị Xô-viết cũng rất tuyệt vời, thậm chí sau này lính tăng Đức khai rằng khi các khẩu đội pháo chống tăng Xô-viết khai hoả vào xe tăng Đức, lính tăng Đức cũng chẳng nhìn thấy gì ngoài trận địa mìn chống tăng! Để giữ tuyệt đối bí mật kế hoạch, các đơn vị không quân Xô-viết đã án binh bất động, hoạt động chỉ bó hẹp trong các nhiệm vụ trinh sát, và chỉ tấn công khi cuộc tấn công của xe tăng Đức bắt đầu. Hồng quân đã sẵn sàng!





Trận chiến đấu ở vòng cung Cuốc-xcơ



Theo các kết quả trinh sát bằng mắt, bằng khí tài, bằng bắt tù binh để khai thác Bộ tư lệnh Xô-viết đã xác định được chính xác ngày tấn công của các đơn vị quân Đức là ngày 4 tháng Bảy, khoảng 5 giờ sáng. Và thế là, đòn đánh phản chuẩn bị được tiến hành. Vào lúc 2 giờ 20 phút sáng ngày 4 tháng Bảy năm 1943, tất cả các lực lượng pháo binh và không quân ném bom của Hồng quân trong khu vực Cuốc-xcơ tham gia bản “hợp xướng” vĩ đại nhất trong lịch sử. Tất cả các đơn vị Đức đã vào tuyến xuất phát hoàn toàn tê liệt, bị thiệt hại nặng, thông tin liên lạc bị cắt đứt. Chỉ sau khoảng 20 đến 30 phút pháo binh Đức mới cố gắng lên tiếng bằng một số đại đội pháo lẻ nhưng không thể lại được đành phải câm ngay.



Lúc 5 giờ 30 phút sáng, cuộc tấn công của quân Đức bắt đầu, tổ chức của cuộc tấn công không chặt chẽ và không đồng loạt đã nói lên thiệt hại nghiêm trọng của đòn phản chuẩn bị của pháo binh và không quân Xô-viết gây ra.



Bắt đầu trận không chiến vĩ đại trên bầu trời Cuốc-xcơ. Những chiếc Stu-ka Ju-87 (Máy bay cường kích ném bom bổ nhào) Đức thọc sâu tập kích vào những đơn vị xe tăng Xô-viết. Ngược lại những chiếc IL-2 Stur-mo-vik cũng tiến lên đánh vào đầu xe tăng Đức. Trên cao nữa là quay cuồng trận không chiến giữa một bên là Mét-xe-xmít, Phốc-cơ Un-phơ, Hen-ken, một bên là LA-5, Yak, Côbra… vừa quần nhau vừa tìm cách diệt máy bay ném bom và cường kích đối phương. Dưới mặt đất là những đợt tấn công không ngớt của xe tăng Đức vào các vị trí của hai Phương diện quân Trung ương và Vô-rô-ne-giơ. Đồng thời, cuộc đấu pháo của hai bên vẫn tiếp tục, ưu thế có thuộc về phía Liên Xô vì rất nhiều trận địa pháo của phát-xít Đức bị thiệt hại nặng sau đòn phản chuẩn bị.



Ngày tấn công đầu tiên, các lực lượng xe tăng Đức tấn công vào đội hình của Phương diện quân Trung ương vấp quá đau, bị thiệt hại nặng đành rút lui. Đến ngày hôm sau ở khu vực này lại tiếp tục diễn ra 7 đợt tấn công, và thu được rất ít kết quả. Các đơn vị Xô-viết phòng ngự như không có một sức mạnh nào nhổ được họ ra khỏi vị trí. Chỉ đến cuối ngày, xe tăng Đức mới tiến được từ 3 đến 6 km trên hướng Ôn-khô-vát-ca. Trong ngày đầu tiên này, quân Đức mất khoảng 200 xe tăng và 25.000 quân lính ở đây.



Ngày 6 tháng Bảy, sư đoàn xe tăng 2 và quân đoàn xe tăng 19 được đưa vào phản kích, cùng với Tập đoàn quân 13 đánh bật xe tăng Đức về điểm xuất phát, khôi phục trận địa phòng ngự của Tập đoàn quân 13.



Tại khu vực của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ chiến sự diễn ra ác liệt hơn nhiều. 16 giờ 40 phút ngày 4 tháng Bảy, quân Đức dưới sự chỉ huy của Thống chế Man-sten mới bắt đầu tiến công vào khu vực phòng ngự của Phương diện quân, nhưng mang tính chất trinh sát chiến đấu. Sang ngày 5 tháng Bảy, cuộc tấn công mới thực sự bắt đầu, có ít nhất 450 xe tăng tham gia tấn công. Đợt tấn công thứ nhất bị đẩy lùi. Chiều ngày hôm đó, sau khi tung các xe tăng “Cọp” vào trận, quân Đức đã đẩy lùi được các sư đoàn bộ binh cận vệ 52 (Sư đoàn trưởng Đại tá cận vệ I.M. Nhê-cra-xốp), chiếm được các khu dân cư: Bê-rê-dốp, Grê-mu-chi, Bư-cô-vô, Cô-dơ-ma, Đê-mi-a-nốp-ca, Vô-dơ-nê-xen-xki. Trong khu vực bên cạnh của Sư đoàn bộ binh cận vệ 67 (Sư đoàn trưởng Đại tá cận vệ A.I. Bắc-xốp) cũng bị quân Đức đánh mạnh, phải bỏ thị trấn Chéc-ca-xcôi-ê, rút về Cra-xnưi Pô-chi-nốc. Qua một ngày chiến đấu, quân phát xít Đức đã bị những thiệt hại rất lớn nhưng Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ cũng mất đến 60 xe tăng, 78 máy bay và một bộ phận quân số đáng kể.



Về sau mới xác định được số lượng xe tăng đối diện với Phương diện quân Trung ương là vào khoảng 6 sư đoàn (1200 chiếc xe tăng), còn tấn công vào Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ là 9 sư đoàn (1500 xe tăng). Chính vì lẽ đó mà ở phía bắc quân Đức không thể tiến được xa, còn phía Nam thì đã gây được khó khăn rất lớn cho bộ đội Xô-viết.



“Từ sáng ngày 7-7, quân giặc lại bắt đầu tiến công quyết hệt. Trên bầu trời và trên mặt đất, không lúc nào ngớt tiếng rền của trận chiến đấu, tiếng nghiền của xích xe tăng và tiếng nổ ầm ầm của máy.

Các đơn vị Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ được sự yểm hộ mạnh mẽ của không quân đã không để cho địch chọc thủng dải phòng ngự thứ 2, tuy vậy ở một đôi chỗ, chúng đã lọt qua.
Lúc đó bộ tư lệnh phương diện quân liền cho các quân đoàn xe tăng 2 và 5, cả một vài sư đoàn bộ binh và đơn vị pháo binh rút từ các hướng khác bước vào chiến đấu trong những khu vực bị uy hiếp đó.

Trong 2 ngày, địch đã mất ít nhất 200 xe tăng và nhiều kỹ thuật khác. Các đơn vị bộ binh địch cũng chỉ còn dưới một nửa quân số so với lúc đầu trận đánh. Ngày 10-7, sau khi tập trung các lực lượng cơ bản của chúng lại trên một khu vực hẹp hơn, quân địch liền tung lực lượng đó vào hướng Prô-khô-rốp-ca với ý định đè bẹp các đơn vị đã mất sức của ta ở đây. Ngày 11-7, trên hướng Prô-khô-rốp-ca cuộc chiến đấu ác liệt tiếp tục.
Đến chiều ngày 11-7 ở khu vực Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, cuộc chiến đấu đã bước vào giây phút hiểm nghèo.

Theo kế hoạch sắp đặt từ trước, Đại bản doanh lấy trong lực lượng dự bị của mình và chuyển tới vùng Prô-khô-rốp-ca tập đoàn quân bộ đội hợp thành cận vệ 5 và tập đoàn quân xe tăng 5 để đến sáng ngày 12-7 đưa vào chiến đấu. Tập đoàn quân xe tăng có đến 800 chiếc T-34 và pháo tự hành. Về tổng số xe tăng, trên hướng Ô-bôi-an và Prô-khô-rốp-ca, địch không kém ta, nhưng tinh thần chiến đấu của chúng thì đã rã rời sau các trận đánh trước đây với các đơn vị của tập đoàn quân cận vệ 6, tập đoàn quân xe tăng 1 và tập đoàn quân cận vệ 7 của ta.

Suốt ngày 12-7, trên mặt trận Vô-rô-ne-giơ đã diễn ra một trận đánh lớn nhất của xe tăng, pháo binh, bộ binh và không quân, mà đặc biệt ác liệt là trên hướng Prô-khô-rốp-ca.” (G.K. Giu-cốp - Nhớ lại và Suy nghĩ).



Ngày 12 tháng Bảy, sau một tuần tấn công với thiệt hại nặng nề cho cả hai bên, Tướng Đức Hoth, tư lệnh lực lượng Đức ở phía Nam vòng cung Cuốc-xcơ, quyết định tập trung tất cả số xe tăng còn lại của hắn, 600 chiếc, như một con bạc khát nước quăng những con bài cuối cùng lên chiếu bạc, đột kích sâu vào trận địa phòng ngự của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, và chính những chiếc xe tăng này đã giáp chiến trong trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của 1.200 chiếc cả hai bên tại làng Prô-khô-rốp-ca. Hoth không biết rằng Bộ tư lệnh Xô-viết đã chuẩn bị sẵn để đón số xe tăng này bằng lực lượng của Tập đoàn quân xe tăng Cận vệ số 5, đang tiến hết tốc lực đến làng Prô-khô-rốp-ca. Ngay lập tức các xe tăng của cả hai bên xông vào nhau tham chiến, trong đó số lượng xe tăng hạng nặng và trung của Đức là trội hơn. Bất chấp mọi quy tắc chiến tranh, không hề giống một trận chiến lớn như Bô-rô-đi-nô hay Véc-đen, nhưng trên suốt chiều dài 35km của trận đánh đã diễn ra vô số trận đấu tăng nhỏ. Quân Đức mất hơn một nửa số xe tăng còn lại đó, còn số thiệt hại của Hồng quân còn nhiều hơn. Các đơn vị xe tăng hai bên lăn xả vào nhau tại làng Prokhorovka trận đánh trở thành trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, trận đấu tăng này có khoảng 1.200 xe tăng và pháo tự hành diệt tăng của 2 phía tham gia đánh nhau hỗn loạn. Đến cuối ngày phía Đức thiệt hại hơn 300 xe tăng và phía Liên Xô khoảng 500 xe nhưng quân Đức đã kiệt sức không còn lực lượng dự bị để có thể phát triển tiến công được nữa. Hơn nữa vào lúc này quân Đồng minh Anh – Mỹ đã đổ bộ vào Ý, Hitler buộc phải rút bớt các lực lượng xe tăng sang mặt trận Ý và ra lệnh chấm dứt tấn công tại vòng cung Kursk. Tuy vậy, trận đánh đã được quyết định. Hít-le ra lệnh ngừng Chiến dịch “Xi-ta-đen”. Chiến dịch “Xi-ta-đen” như vậy đã thất bại thảm hại. Với phía Đức, như vậy là chiến dịch đã kết thúc, phía Đức về cơ bản đã thất bại phải lui về phòng thủ từ bỏ tham vọng giành quyền chủ động tiến công và bao vây tiêu diệt cụm quân Kursk của đối phương. Về phía Hồng quân, mọi việc mới chỉ bắt đầu. Liên tiếp trong hơn 1 tháng tiếp theo quân đội Đức phải giật gấu vá vai các lực lượng vất vả chống đỡ trước sức tiến công của Hồng quân. Tuy đã bỏ tiến công chuyển sang phòng ngự nhưng quân Đức cũng không đủ lực lượng để chống lại các phương diện quân Xô Viết phản công theo một kế hoạch đã được định trước



Nhìn chung, cuộc tấn công của phát-xít Đức diễn ra trong không đầy một tuần và ngày 12 tháng Bảy đã kết thúc thất bại. Do sự kháng cự vô cùng kiên cường của quân đội Liên Xô, quân Đức đã phải dừng lại và sau đó rút lui, sau khi chỉ tiến được 10km ở hướng bắc và 35 km ở hướng nam. Quan trọng nhất, là phát-xít Đức đã không bao vây được quân đội Xô-viết ở vòng cung Cuốc-xcơ, hơn thế nữa sau chiến đấu vài ngày, được sự hỗ trợ nhanh chóng của Đại bản doanh bằng các lực lượng dự bị, thế trận của quân đội Xô-viết còn vững mạnh hơn. Kết quả chủ yếu của các trận đánh phòng ngự làm thiệt hại một số lượng lớn xe tăng của Đức, và chính vì thế đem lại cho Hồng quân ưu thế hơn hẳn về binh chủng xe tăng làm tiền đề cho các hoạt động phản công của Hồng quân trong chiến dịch Cu-tu-dốp. Việc sử dụng khéo léo xe tăng và pháo tự hành trong phòng ngự chống tăng khiến phòng ngự chống tăng được vững chắc. Các binh đoàn có khả năng tổ chức các điểm tựa, các khu vực đề kháng chống tăng rất mạnh cũng như các lực lượng dự bị về chống tăng và dự bị về xe tăng để phản công đã đóng vai trong quan trọng trong chiến thắng Cuốc-xcơ.





Chiến dịch “Cu-tu-dốp” và “Ru-mi-an-txép”


Giai đoạn thứ hai của trận Cuốc-xcơ, bắt đầu từ ngày 12 tháng Bảy kéo dài đến ngày 23 tháng Tám.



Ngày 12 tháng Bảy, các Phương diện quân Bri-an-xcơ và Phương diện quân Tây tấn công vào cánh quân Đức trên hướng Ô-ri-ôn.



Ngày 15 tháng Bảy, Phương diện quân Trung ương cũng bước sang phản công.



Kết quả trận tấn công của ba Phương diện quân là đến ngày 18 tháng Tám đã thủ tiêu được bàn đạp của quân Đức tại Ô-ri-ôn, tiêu diệt cánh quân Đức ở đây.



Cuộc phản công của Hồng quân trên hướng Ben-gô-rốt – Khác-cốp bắt đầu ngày 3 tháng Tám, là một sự phối hợp tấn công của lực lượng ba Phương diện quân: Vô-rô-ne-giơ; Thảo nguyên và Phương diện quân Tây Nam trong khuôn khổ chiến dịch “Ru-mi-an-txép”. Ngày 5-8, bộ đội Phương diện quân Bri-an-xcơ giải phóng Ô-ri-ôn. Trong các trận chiến đấu để chiếm lại thành phố, đặc biệt xuất sắc có các sư đoàn 5, 129 và 380.


Tối ngày 5-8, Mát-xcơ-va bắn pháo hoa chào mừng các đơn vị vinh quang thuộc phương diện quân Bri-an-xcơ, miền Tây, Trung ương đã chiếm được Ô-ri-ôn và bộ đội thuộc Phương diện quân Xtép và Vô-gô-ne-giơ đã lấy lại được Ben-gô-rốt. Đó là những chùm pháo hoa đầu tiên trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại để chào mừng chiến thắng vẻ vang của các đơn vị Xô-viết.

Do triển khai tiến công thắng lợi trên hướng Khác-cốp, nên ngày 6 tháng Tám, Phương diện quân Tây – Nam được Đại bản doanh giao cho nhiệm vụ đánh tiếp một đòn chủ yếu về phía Nam, hiệp đồng với Phương diện quân Nam để tiêu diệt lực lượng quân Đức ở Đôn-bát, đánh chiếm Goóc-lốp-ca và Xta-li-nô (Đô-nét-xcơ). G.K. Giu-cốp đảm nhận phối hợp hành động giữa hai Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Thảo nguyên. A.M.Va-xi-lép-xki được giao phối hợp hành động giữa hai Phương diện quân Tây – Nam và Nam.



Ngày 23 tháng Tám, Hồng quân đã chiếm Khác-cốp, đánh dấu sự kết thúc của trận chiến đấu vĩ đại nhất của cuộc Chiến tranh Giữ nước vĩ đại. Các đơn vị xuất sắc trong các trận chiến đấu để chiếm lại Khác-cốp là các sư đoàn cận vệ 28, bộ binh 84, 116, 252 và 299 thuộc tập đoàn quân 53, các sư đoàn cận vệ 89 và 93, các sư đoàn bộ binh 183 và 375 thuộc tập đoàn quân 69, sư đoàn cận vệ 15 thuộc tập đoàn quân cận vệ 7. Tất cả các sư đoàn đó đều được tặng danh hiệu vinh dự: Sư đoàn Khác-cốp.



Kết quả của trận Cuốc-xcơ đã được Nguyên soái G.K. Giu-cốp ghi lại trong hồi ký Nhớ lại và Suy nghĩ của mình:

“Sau 50 ngày đêm đã diễn ra cuộc chiến đấu vĩ đại nhất của quân ta với quân phát-xít Đức. Nó kết thúc bằng thắng lợi của Quân đội Xô-viết đánh tan 30 sư đoàn Đức tinh nhuệ, trong đó có sư đoàn tăng. Trên phần nửa quân số của mấy chục sư đoàn này đã bị tiêu diệt.

Thiệt hại chung của giặc trong thời gian đó là trên 50 vạn tên, gần 1.500 xe tăng, trong đó phần lớn là xe tăng “cọp”, “báo”, 3.000 đại bác và súng cối và một số lớn máy bay. Đó là những thiệt hại mà bọn cầm đầu phát-xít không thể dùng một biện pháp tổng hợp nào bù vào được.

Chiến thắng vĩ đại của quân ta ở Cuốc-xcơ đã chỉ rõ sức mạnh ngày càng to lớn của Nhà nước Xô-viết và lực lượng vũ trang Xô-viết. Thắng lợi ngoài mặt trận cũng như ở hậu phương giành được là do sự nỗ lực của tất cả mọi người Xô-viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong các trận chiến đấu ở Cuốc-xcơ, bộ đội ta đã tỏ ra có tinh thần cực kì dũng cảm, chủ nghĩa anh hùng tập thể và trình độ nắm vững tài nghệ quân sự. Đảng Cộng sản và Chính phủ đánh giá cao lòng dũng cảm của quân đội và đã thưởng trên 10 vạn huân chương và huy chương cho các chiến sĩ, sĩ quan và tướng lĩnh, nhiều người đã được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Bóng ma của thảm họa không thể tránh khỏi đã hiện lên trước mắt nước Đức phát -xít.
Những thua thiệt lớn của quân Đức đã bắt bọn Hít-le trong mùa hè năm 1942 phải rút từ các mặt trận khác để ném vào chiến trường Xô - Đức 14 sư đoàn, buộc chúng phải tập trung phần lớn các nỗ lực của chúng ở đây, nhưng chính vì thế mà các mặt trận ở Ý và Pháp lại yếu đi.

Âm mưu địch giành quyền chủ động về chiến lược từ tay Bộ tư lệnh Xô-viết đã hoàn toàn phá sản và từ đó đến lúc hết chiến tranh, quân Đức bắt buộc chỉ có phòng ngự mà thôi. Điều đó chứng minh, nước Đức đã bị tiêu hao. Bây giờ không còn lực lượng nào có thể cứu chúng được. Vấn đề chỉ còn ở thời gian mà thôi. ”


Về mặt lịch sử, Trận vòng cung Cuốcxcơ là trận đánh bước ngoặt của Chiến tranh Xô-Đức và Thế chiến thứ hai vì ngoài quy mô to lớn của nó nơi hai bên đánh nhau với quân số nhiều triệu quân, lần đầu tiên phía Liên Xô giành thắng lợi trong một chiến dịch mùa hè khi họ đã biết cách và có đủ phương tiện để khắc chế được sức mạnh thiết giáp vô địch của Đức. Tại đây sức mạnh xưa nay ghê gớm nhất của quân đội Đức là các mũi thọc sâu bằng xe tăng thiết giáp đã bị đối phương chặn đứng và phản công cũng chính bằng các đòn đánh bằng xe tăng thiết giáp, quân đội Xô Viết đã đánh thắng được quân Đức bằng chính võ của địch.

Trận Kursk đã tiêu diệt được xương sống thiết giáp của quân đội Đức và những đơn vị tinh nhuệ nhất của Đức. Cùng với thất bại tại trận Stalingrad và thất bại lần này quân Đức không thể gượng lại nổi họ vĩnh viễn mất đi quyền chủ động chiến lược từ nay chỉ còn bị động lùi dần và chống đỡ cho đến khi đầu hàng tại Berlin tháng 5 năm 1945.

Trận Cuốcxcơ đã làm rõ cho thế giới thấy kết cục thất bại không tránh được của nước Đức phát xít tuy rằng họ còn đang chiếm đóng gần trọn châu Âu.
_Sưu Tầm:6086369_________________

 

Trận đấu xe tăng vĩ đại nhất trong lịch sử

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: LỊCH SỬ THẾ GIỚI :: Lịch Sử Thế Giới Hiện Đại-
Copyright ©2010 - 2012
Design by by Nguyen Duc Toan
Bản quyền by Nguyen Duc Toan
Nickname: nguyenductoan201188.
RSS RSS 2.0 XML MAP
Powered by phpBB Version 2.0 Lisenced
Copyright ©2010 - 2013
Lưu ý:Xem diễn đàn tốt nhất ở độ phân giải 1024x768 và sử dụng Fire Fox 3


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất