CHÀO MỪNG BẠN!

Vui lòng chọn "Đăng Nhập" nếu Bạn là Thành Viên.

Chọn "Đăng Ký" nếu Bạn chưa là Thành Viên.

Nếu Bạn chỉ dạo chơi thôi thì chọn mục còn lại.

Chúc các bạn có những giây phút thoải mái và những bài học bổ ích với Diễn Đàn Lịch Sử!

CHÀO MỪNG BẠN!

Vui lòng chọn "Đăng Nhập" nếu Bạn là Thành Viên.

Chọn "Đăng Ký" nếu Bạn chưa là Thành Viên.

Nếu Bạn chỉ dạo chơi thôi thì chọn mục còn lại.

Chúc các bạn có những giây phút thoải mái và những bài học bổ ích với Diễn Đàn Lịch Sử!

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Chào mừng Thành viên thứ 110 -tuan khanh- tham gia vào Diễn Đàn của chúng ta!
 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Duc Toan (673)
trongnguyen (104)
nguyenlinh (90)
xuanhoa20 (36)
nth999 (34)
673 Số bài - 58%
104 Số bài - 9%
90 Số bài - 8%
62 Số bài - 5%
50 Số bài - 4%
42 Số bài - 4%
36 Số bài - 3%
35 Số bài - 3%
34 Số bài - 3%
34 Số bài - 3%

Share | 

 

 Địa danh ở Bến Tre

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Địa danh ở Bến Tre I_icon_minitime28.04.10 4:39

nhantung_34ctu
cầu lông,

Thành viên

nhantung_34ctu

Thành viên

Nam
Tổng số bài gửi : 62
Điểm Thi Lịch Sử : 231
Hệ Thống Chấm Điểm : 1
Birthday : 04/11/1989
Ngày Tham Gia : 14/04/2010
Tuổi : 34
Đến từ : Sóc trăng
Công Việc : Sinh viên
Sở Trường/ Sở Thích Sở Trường/ Sở Thích : cầu lông,

Bài gửiTiêu đề: Địa danh ở Bến Tre

 
Địa danh ở Bến Tre

Bến Tre là một trong 12 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, được hợp thành bởi 3 cù lao lớn (An Hóa, Bảo, Minh) do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long (sông Cửa Đại, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên) bồi tụ nên qua nhiều thế kỷ.

1. Địa lý tự nhiên và nhân văn

Bến Tre là một trong 12 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, được hợp thành bởi 3 cù lao lớn (An Hóa, Bảo, Minh) do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long (sông Cửa Đại, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên) bồi tụ nên qua nhiều thế kỷ. Nhìn trên bản đồ, tỉnh Bến Tre có hình rẽ quạt mà đầu ngọn nằm ở thượng nguồn, các nhánh sông lớn như những nan quạt xoè rộng ra phía biển Đông với tính bằng phẳng khá cao- một đặc trưng tiêu biểu của vùng bình nguyên bát ngát ở phương nam Tổ quốc.

Diện tích tự nhiên của tỉnh xấp xỉ 2.285km2, phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía tây giáp tỉnh Vĩnh Long, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía đông giáp biển với chiều dài 65km.

Là một tỉnh châu thổ nằm sát biển, Bến Tre có địa hình bằng phẳng, rải rác có những giồng cát xen kẽ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, chỉ có một số rừng chồi và những dải rừng ngập mặn ven biển và ở các cửa sông. Tỉnh có một hệ thống đường thuỷ gồm những con sông lớn nối từ biển Đông qua các cửa sông, lên tận biên giới Campuchia và một hệ thống kinh rạch chằng chịt đan xen như những huyết mạch suốt khắp ba dải cù lao.

Địa hình Bến Tre tương đối bằng phẳng, có xu thế thấp dần từ tây sang đông, nghiêng dần ra biển, có nhiều giồng cát hình vòng cung quay lưng ra biển. Vùng đất cao chạy dài từ huyện Chợ Lách đến huyện Châu Thành, nằm về phía bắc và tây bắc của thị xã Bến Tre. Đây là khu vực cồn sông cổ bị lũ thường năm đem phù sa mịn lấp lên. Phần đất thấp, loại thứ nhất gồm các lòng máng của những dòng sông cổ và mới, đã bị lấp toàn phần hoặc từng phần trầm tích lũ hiện nay. Loại thứ hai là vùng mặn cổ, nay đã được lấp đầy từng phần, bị ảnh hưởng triều rất mạnh. Vùng đất trũng thấp luôn luôn ngập dưới mức triều trung bình, gồm các đầm mặn và bãi thuỷ triều{3, 591}. Tỉnh Bến Tre gồm 1 thị xã trung tâm tỉnh lỵ và 7 huyện với 148 xã, 8 phường và 7 thị trấn. Bến Tre (năm 1999) có 1.296.914 dân, chủ yếu là người Kinh và một ít người Hoa và Khơme. Vùng đất Bến Tre được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam từ giữa thế kỷ XVIII, đa số cư dân đến đây khai phá có nguồn gốc từ miền Thuận Quảng{18; 276, 284}.




2. Các số liệu thống kê



Theo thống kê của chúng tôi từ các nguồn tài liệu Gia Định thành thông chí (1820), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, tỉnh Vĩnh Long (1836), Đại Nam nhất thống chí (1865), Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ (1875), Mục lục tên thôn tổng ở Nam Kỳ (1892), Lịch An Nam thông dụng (1896), Monographie de la province de Bến Tre (1903), Thời sự cẩm nang (1917), Bản đồ các quận của tỉnh Kiến Hoà (1966), Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (1971), Địa chí Bến Tre (2001), Bảng Danh muc và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam (2004) thì tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 3.162 địa danh. Trong đó được phân bố như sau:

+ Địa danh Hán - Việt: 1.616 địa danh (51,12%)
+ Địa danh thuần Việt: 1.540 địa danh (48,70%)
+ Địa danh gốc Pháp : 4 địa danh (0,12%)
+ Địa danh gốc Khơme: 2 địa danh (0,06%)


3. Vài đặc điểm chính của địa danh ở Bến Tre

3.1. Về đối tượng của địa danh

Bến Tre là một tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long, địa hình tương đối bằng phẳng, lại có nhiều sông ngòi, kinh rạch nên ngoài các địa danh hành chính, số thuỷ danh chiếm ưu thế rõ rệt. Cụ thể tên các đối tượng chỉ địa danh ở Bến Tre bao gồm:

+ Địa danh hành chính: làng, ấp, xã, khóm, ô, phường, thị xã, tổng, quận, huyện, tỉnh, hạt, phủ, dinh , trấn, châu

+ Địa danh chỉ công trình xây dựng: chợ, kinh, cầu, cống, mương, đập, bến phà, bến đò, công viên, thủ, vuông, sân chim

+ Địa danh chỉ vùng: xóm, khu, vùng, xứ

+ Địa danh chỉ địa hình: sông, rạch, đầm, hồ, vàm, con lươn, khém, khe, tắt, cửa, ngọn, đìa, ngả, cù lao, cồn, bãi, giồng, xép, gò, xẽo, lũng

3.2. Ngôn ngữ cấu tạo địa danh


3.2.1. Địa danh Hán- Việt

Địa danh Hán- Việt ở Bến Tre, chủ yếu là địa danh hành chính thường dùng các mỹ từ mang ý nghĩa tốt đẹp, chiếm số lượng khá lớn. Một số từ thường gặp như: Tân là mới (làng Tân Đức, xã Tân Mỹ, tổng Tân Minh), Bình với nghĩa bình yên, yên ổn (làng Bình An, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại), An là êm đềm (làng An Hoà Tây, xã An Thạnh, tổng An Bảo), Long với nghĩa đầy đặn, phồn thịnh (làng Long An, xã Long Hoà, dinh Long Hồ), Phú là giàu (làng Phú Lễ, xã Phú Nhuận, tổng Phú Long), Mỹ là đẹp đẽ (làng Mỹ Sơn, xã Mỹ Hưng), Phước là mai mắn (làng Phước Hậu, xã Phước Hiệp), Vĩnh là lâu dài (làng Vĩnh An, xã Vĩnh Bình)…

Một số yếu tố Hán- Việt đặt ở cuối địa danh có mục đích phân biệt phương hướng: Thượng- Trung- Hạ, Đông – Tây- Nam- Bắc, số đếm (ấp Tiên Tây Thượng, làng An Ngãi Trung, ấp Đông An Hạ, làng An Hoà Đông, làng Lương Thạnh Tây, ấp Bình Hiệp Nam, ấp Lân Bắc, làng Bình Phục Nhất).

Nhưng có những trường hợp đặt tên không theo từng cặp địa danh đối xứng mà có thể ở dạng “thiếu”(ấp Tiên Đông, ấp Tiên Đông Thượng; ấp Bình An, ấp Bình An B; ấp Bình Đông, ấp Bình Đông Hạ, ấp Bình Đông Thượng; ấp Vĩnh Đức Đông, ấp Vĩnh Đức Trung).

Địa danh hành chính đặt theo “tứ quý” (ấp Sơn Long , ấp Sơn Lân, ấp Sơn Qui, ấp Sơn Phụng).

Hoặc kết hợp với yếu tố thuần Việt: Sau- Trước, số đếm (ấp Thủ Sau, ấp Thủ Trước, ấp An Thạnh 1, ấp An Định 2).

Có hiện tượng một số địa danh thuần Việt lại được dịch nghĩa ra trong các văn bản Hán như trong Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí: cù lao Đất- Thổ Châu, cù lao Nai- Lộc Châu, cồn Ngao, bãi Ngao- Ngao Chử, cù lao Bãi Ngao- Ngao Châu, cù lao Dài- Trường Châu, sông Mỏ Cày- Đầu Lê Giang, sông Cái Mít- Ba La Giang, sông Ba Tri Cá- Châu Thới Giang…Nhưng các địa danh thuần Việt lại có sức sống trong đời sống thực tế, còn các địa danh Hán- Việt chỉ tồn tại trong các văn bản nhà nước.

Những địa danh kèm theo chữ “làng mới lập” trong Gia Định thành thông chí thường là những địa danh mới lập vào thời Gia Long (làng An Thuỷ, làng An Toàn, làng Bình Long).

Năm 1836, chữ “bảo” trong cù lao Bảo được đặt tên cho huyện Bảo An và các tổng kèm theo: Bảo An, Bảo Đức, Bảo Hoà, Bảo Hựu, Bảo Khánh, Bảo Lộc, Bảo Ngãi, Bảo Phước, Bảo Thành, Bảo Thuận, Bảo Trị. Tương tự, trên cù lao Minh là địa bàn của huyện Tân Minh với các tổng: Minh Đạo, Minh Đạt, Minh Hóa, Minh Huệ, Minh Lý, Minh Phú, Minh Qưới, Minh Thiện, Minh Thuận, Minh Trị. Riêng cù lao An Hóa lúc ấy thuộc huyện Kiến Hoà, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang), gồm các tổng: Hoà Hảo, Hoà Hằng, Hoà Thinh. Đây là cách đặt địa danh hành chính phổ biến ở Nam Bộ.

3.2.2. Địa danh thuần Việt

Địa danh thuần Việt ở Bến Tre thường là các địa danh chỉ địa hình, địa danh chỉ vùng, địa danh chỉ công trình xây dựng và một số ít địa danh hành chính.

a) Địa danh chỉ địa hình
Ngoài các địa danh mang tên người, chỉ đặc điểm địa hình, gắn với công trình xây dựng, còn lại đa số là các địa danh mang tên động vật và thực vật, sản vật của địa phương.

Địa danh mang tên người: có 57 địa danh mang yếu tố “Ông”, 53 địa danh mang yếu tố “Bà”, 6 địa danh mang yếu tố Thị”. Tất cả yếu tố “Ông” và “Bà” và “Thị” đều đứng trước, không có địa danh nào có yếu tố “Ông” và “Bà” và “Thị” đứng sau. Các tên người này có công khai phá vùng đất hoặc là chủ sở hữu (cồn Bà Huyện, bàu Ông Ngâu, giồng Thầy Thanh, rạch Thị Nhiêu).

Địa danh chỉ đặc điểm địa hình: gồm các địa hình gắn với vùng “sông nước”(cồn Cát, cồn Trẹt, cửa Đại, cù lao Dài, giồng Lớn, giồng Mỏ Neo, gò Trụi, đìa Gò, đìa Tròn).

Địa danh gắn với công trình xây dựng: thường là bến, cầu, kinh, mương, đình, miễu, chùa, đồn (rạch Bến Đá, rạch Cầu Sắt, rạch Kinh, rạch Mương Khai, rạch Đình, rạch Miễu, rạch Chùa, rạch Đồn).

Địa danh mang tên động vật: có mặt từ chim cho đến bò sát, thú ăn thịt, gia súc, nhưng nhiều nhất vẫn là động vật sống dưới nước (bàu Dơi, cồn Chim, rach Cái Sấu, giồng Hổ, cù lao Dê, rạch Heo, rạch Đầu Trâu, rach Kiến, bãi Điệp, bãi Ngao, vàm Cá Mập, cầu Cá Lóc, cầu Ốc, tiệm Tôm).

Địa danh mang tên thực vật: khá phong phú với các loại cây trồng và cây mọc hoang (giồng Thơm, giồng Chuối, giồng Cà, rạch Bần Qui, giồng Quéo, giồng Sậy).

Địa danh mang tên sản vật địa phương: các sản vật trước đây thường có nhiều ở địa phương (rạch Cau, rạch Giồng Dâu, rạch Mật, rạch Ruộng Muối, sông Bến Tre).

b) Địa danh chỉ vùng

Thống kê được 114 địa danh, trong đó có đến 35 địa danh có yếu tố chỉ đối tượng “giồng”(xóm Giồng Bà Nhiên, xóm Giồng Ông Ngoan, xóm Giồng Cũ, xóm Giồng Tràm, xóm Giồng Sao). Điều này phản ánh khá rõ nét đặc trưng của địa hình một tỉnh ven biển như Bến Tre.

c) Địa danh chỉ công trình xây dựng

Có 294 địa danh chỉ công trình xây dựng (160 địa danh chợ, 52 địa danh kinh, 57 địa danh cầu; 25 địa danh còn lại là bến, thủ, cống, mương, đập, công viên).

Trong các địa danh chợ còn bảo lưu nhiều địa danh với các yếu tố “bến”, “cái”, “giồng” (chợ Bến Vựa, chợ Cái Gà, chợ Giồng Trôm).

Địa danh chỉ kinh lại gắn với nhiều với các chức vụ + tên ngườiï (kinh Ông Huyện, kinh Đốc Phủ Xũng, kinh Hương Điền, kinh Ông Cai, kinh Tổng Năng, kinh Xã Giác, kinh Cả Cơ, kinh Chánh San). Về giới tính, chỉ có 4 địa danh gắn với nữ giới (kinh Bà Huyện, kinh Cô Ba, kinh Thị Nhàn, kinh Phụ Nữ) so với 15 địa danh gắn với nam giới.

Địa danh chỉ cầu: có 10 địa danh mang yếu tố “cái” (cầu Cái Cá, cầu Cái Cấm, cầu Cái Chát Lớn, cầu Cái Mon Nhỏ), 4 địa danh gắn với nữ giới (cầu Bà Ba Ngỡi, cầu Bà Hiền, Cầu Bà Lựu, cầu Bà Mụ), 3 địa danh gắn với nam giới (cầu Kinh Ông Cha, cầu Ông Ngò, cầu Ông Đình), số còn lại chỉ đặc điểm cấu tạo, sản vật địa phương (cầu Mống, cầu Ván, cầu Tre Bông, cầu Cá Lóc, cầu Ốc, cầu Cái Cối).

d) Địa danh bằng số

Trong số 3.162 địa danh ở Bến Tre có 230 địa danh bằng số (khóm 1, ấp 2) và 20 địa danh bằng chữ và số (ấp Hoà 2, ấp An Bình 1, ấp 6B, chợ K20) chủ yếu là các địa danh hành chính, chiếm 7,90%, đây là tỷ lệ khá cao và cũng là đặc điểm chung của các địa danh hành chính ở Nam Bộ. Trong đó, các địa danh chỉ ô, khóm (ở thị xã, thị trấn) có 31 địa danh; các địa danh ấp (ở xã) có 199 địa danh. Các địa danh này chỉ xuất hiện khi Pháp thiết lập nền hành chính ở nước ta.

4. Một số thành tố chung của các địa danh ở Bến Tre

Tân : có 174 địa danh có yếu tố “Tân” đứng ở đầu địa danh với nghĩa là “mới”, chủ yếu ở các địa danh hành chính. Hiện tượng này phản ánh Bến Tre là vùng đất mới khai phá và tác giả của các địa danh này thuộc giới quan lại, chịu ảnh hưởng nhiều của Hán học.

Cái: “cái” là danh từ, có nghĩa là “nhánh sông hay con rạch”. Theo thống kê của Lê Trung Hoa {8,27} ở Nam Bộ có ít nhất 160 địa danh mang thành tố chung “cái”, trong đó có 150 địa danh là tên sông rạch; còn theo số liệu của chúng tôi, chỉ riêng ở Bến Tre đã có đến 96 địa danh có yếu tố “cái” ở đầu. Trong đó được phân bố như sau : rạch (70 địa danh), chợ (10 địa danh), cầu (10 địa danh), cù lao (2 địa danh), kinh (2 địa danh), xóm (2 địa danh). Địa danh có thành tố “cái” chiếm số lượng rất cao (70 / 96 địa danh) ở Bến Tre, một địa bàn có địa hình “âm” (sông nước) để chỉ “sông, rạch” càng chứng minh rõ thêm nhận xét của tác giả trên.

Cả : từ gọi tắt của từ tổ hương cả, là “chức hương trưởng lớn nhất trong làng. Thường chọn người tuổi tác, công nghiệp” (Đại Nam quốc âm tự vị). Có 16 địa danh có thành tố “cả” ở Bến Tre. Trong đó có những địa danh mang nét nghĩa trên (rạch Cả Nhỏ, xóm Cả Thân, kinh Cả Cơ). Số địa danh còn lại chưa rõ nghĩa (Cả Muồng, Cả Bần, Cả Nứt, ấp Cái Ngang, Cả Cát ,Cả Cại, Cả Đuối...). Nhưng căn cứ vào kiểu cấu tạo địa danh, chúng tôi cho rằng “cả” ở đây chính là biến âm của từ “cái”. Trong bài Ý nghĩa gọi tên đất bằng chữ cái, cả, ngã ở đồng bằng Nam Bộ, Hoàng Xuân Phương viết:”Phần lớn chữ CÁI được phát âm thành CẢ. Cái Sao cũng là Cả Sao, Cái Côn thành Cả Côn, Cái Cao thành Cả Cao v.v…” {4, 23- 24}. Hơn nữa, khi đối chiếu cặp địa danh Cả Chát Lớn- Cả Chát Nhỏ ở phụ lục thống kê và phân loại địa danh ở Bến Tre theo các đặc điểm cấu thành (mục các địa danh gắn với thành tố “cả”) trong bài Những đặc điểm cấu thành các địa danh ở Bến Tre{15, 72} với cặp địa danh rạch Cái Chát Lớn- rạch Cái Chát Nhỏ trong bản đồ Bản đồ các quận của tỉnh Kiến Hoà (1966) {1} chúng tôi thấy có sự tương đồng.

Giồng: âm trại của vồng. Giồng là chỗ đất cao hơn ruộng, thường có nhiều cát, ít nước, thích hợp với việc trồng khoai đậu và các loại cây ăn quả. Tỉnh có gần 20 dải giồng cát chạy song song từ trong ra ngoài, với chiều cao từ 3- 5m. Bến Tre có 163 địa danh có thành tố “giồng”: giồng (66 địa danh), rạch (13 địa danh), xóm (35 địa danh), chợ (15 địa danh), kinh (2 địa danh), cầu (3 địa danh), địa danh hành chính (29 địa danh). Một địa danh đã trở thành đơn vị hành chính cấp huyện (huyện Giồng Trôm). Các địa danh này chủ yếu phân bố ở các huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Đây là tỉnh có số địa danh mang thành tố giồng cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện dạng địa mạo rất đặc trưng của vùng cửa sông Cửu Long ngày nay.

Bến: bến sông. Có 45 địa danh mang thành tố “bến”: địa danh hành chính (11 địa danh), chợ (9 địa danh), công viên (1 địa danh), xóm (5 địa danh), rạch (19 địa danh). Một địa danh đã trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh (tỉnh Bến Tre). Kiểu cấu tạo địa danh dạng này khá phổ biến ở Nam Bộ. Ở Bến Tre có các kiểu kết hợp: bến + thực vật (Bến Tre, Bến Vông, Bến Giá), bến + đặc điểm địa hình (rạch Bến Đá, rạch Bến Cháy, xóm Bến Cát), bến + công trình xây dựng (rạch Bến Chùa, rạch Bến Đình, rạch Bến Kinh, rạch Bến Xe), bến + tên người (rạch Bến Thông), bến + chức vụ (xóm Bến Huyện). Đặc biệt kiểu cấu tạo bến + tên động vật như Bến Nghé, Bến Ngựa, Bến Trâu (TP. Hồ Chí Minh), Bến Tượng (Bình Dương), ở địa bàn tỉnh Bến Tre chúng tôi chỉ tìm thấy duy nhất một địa danh là bến Trâu. Điều đó cho thấy kiểu kết cấu địa danh này ở Nam Bộ tương đối hiếm.

5. Nhận xét
- Địa danh Hán- Việt (51,12%) và địa danh thuần Việt (48,70%) ở Bến Tre chiếm tỷ lệ tương đương. Các địa danh thuần Việt có mức độ thông tin về các đặc điểm của địa phương khá cao (địa hình, động vật, thực vật, sản vật địa phương).

- Rất ít địa danh gốc Pháp và gốc Khơme do ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp và không phải là địa bàn sinh tụ của người Khơme như các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang.

- Số địa danh không phải song tiết chiếm tỷ lệ cao với 550 địa danh (17,39%): 372 địa danh một âm tiết, 175 địa danh ba âm tiết, 3 địa danh bốn âm tiết. Về đối tượng của địa danh: 326 địa danh chỉ địa hình, 140 địa danh hành chính, 45 địa danh vùng, 39 địa danh chỉ công trình xây dựng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi (Hội Sử học TP. Hồ Chí Minh)
( Sưu tầm )


 

Địa danh ở Bến Tre

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: LỊCH SỬ VIỆT NAM :: Lịch Sử Các Tỉnh-
Copyright ©2010 - 2012
Design by by Nguyen Duc Toan
Bản quyền by Nguyen Duc Toan
Nickname: nguyenductoan201188.
RSS RSS 2.0 XML MAP
Powered by phpBB Version 2.0 Lisenced
Copyright ©2010 - 2013
Lưu ý:Xem diễn đàn tốt nhất ở độ phân giải 1024x768 và sử dụng Fire Fox 3


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất